Nhân viên ngân hàng "đau đầu" vì đổi tiền mới cho khách

Cứ đến hẹn lại lên, thị trường tiền lẻ, tiền mới giáp Tết lại "sốt xình xịch" do nhu cầu đổi tiền mới để lì xì và đi lễ chùa làm cho nhân viên ngành ngân hàng "chóng mặt vì người thân nhờ đổi.
Nhân viên ngân hàng "đau đầu" vì đổi tiền mới cho khách ảnh 1Tiền lẻ, tiền mới luôn làm đau đầu các nhân viên ngân hàng. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Cứ đến hẹn lại lên, thị trường tiền lẻ, tiền mới giáp Tết lại "sốt xình xịch" do nhu cầu đổi tiền mới để lì xì con trẻ và đi lễ chùa chiền trong ngày đầu năm. Chuyện nhà nhà, người người... đua nhau đi đổi tiền lẻ, tiền mới dịp Tết đã trở thành một "quy luật."

Tuy nhiên, lượng tiền lẻ, tiền mới do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành vào những tháng cuối năm có hạn nên hiện tượng "khát" tiền lẻ, tiền mới vẫn xảy ra triền miên. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố không đưa ra thị trường loại tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống nên tiền mới 10.000 đồng lại trở lên "nóng" hơn bao giờ hết.

Chị Nguyễn Thùy Linh, nhân viên một ngân hàng thương mại cổ phần trên phố Bà Triệu (Hà Nội) cho biết, nhiều ngày nay, bạn bè, người thân liên tục gọi điện, nhắn tin để nhờ đổi tiền khiến chị sốt ruột. "Hiện giờ tôi không dám nhận đổi hộ nhiều, chỉ họ hàng trong gia đình và bạn bè quen lắm mới dám nhận nhưng không hứa chắc sẽ có đủ cho mọi người. Mỗi nhà kỳ vọng đổi được 5 triệu đồng cũng là quý lắm rồi," chị Linh chia sẻ.

Cùng cảnh ngộ như chị Linh, anh Trần Văn Tình là nhân viên Ngân hàng Công Thương, dù không có nhu cầu nhiều về tiền lẻ, tiền mới nhưng bao giờ cũng trong tình trạng "khát" tiền vì những người xung quanh nhờ đổi hộ.

"Vợ chồng nhiều lúc bất hòa cũng chỉ vì thứ tiền này. Ngay cả khi đang say giấc đêm Đông cũng có chuông điện thoại của người quen gọi để nhờ đổi tiền mới mệnh giá càng nhỏ càng tốt. Thực sự đến những ngày Tết là tôi bị áp lực ghê gớm, công việc chuyên môn đã bù đầu, nay lại phải nhờ cậy chỗ nọ, chỗ kia để đổi," anh Tình than thở.

Anh Tình chia sẻ thêm, vì là một người có mối quan hệ thân thiết với bên kế toán nên năm nào anh cũng "được" anh em trong phòng nhờ đổi hộ tiền mới nên chuyện bị nhầm lẫn thiếu hụt vì đổi tiền luôn xảy ra. Năm nay rút kinh nghiệm của những năm trước, anh giao cho một người trong phòng thống kê nhu cầu số tiền cần đổi và tuyên bố chỉ cầm tiền chẵn (500.000 đồng) mang đi vừa gọn nhẹ lại vừa dễ kiểm đếm. Khi lấy tiền về anh cũng giao cho một người đứng ra chia chứ anh không làm tất như mọi năm nữa. Chính vì vậy, chuyện nhầm lẫn về tiền đã không xảy ra.

Năm nay Ngân hàng Nhà nước không đưa ra ngoài tiền mệnh giá bé [từ 5.000 đồng trở xuống-PV] nên tiền 10.000 đồng trở nên khan hiếm hơn mọi năm.

Một lãnh đạo của Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình cho biết, năm nào ngân hàng cũng đều dành các suất đổi tiền lẻ, tiền mới cho những khách hàng VIP coi như là một dịch vụ cộng thêm để giữ họ gắn bó lâu dài hơn. Tuy nhiên, năm nay hạn mức tiền lẻ, mới tại các ngân hàng đều có giới hạn nên với các khách hàng nhỏ lẻ, việc đổi tiền mới trong ngân hàng có phần khó hơn. Tiền 10.000 đồng được nhiều người nhờ đổi nhất nhưng bên ngân hàng này chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu thôi, thậm chí tiền 50.000 đồng và 100.000 đồng cũng khan hơn các năm trước.

Nhiều nhân viên ngân hàng than thở rằng phải chạy đôn chạy đáo để lo từng tệp tiền mới cho khách lẻ hoặc những người thân, quen.

Để tránh rơi vào thế bị động, một số nhân viên ngân hàng đã tính tới việc lấy tiền đã lưu thông nhưng vẫn còn mới để kịp mừng tuổi Tết.

“Chấp hành chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi cũng đã không xuất kho các loại tiền mới 5.000 đồng, 2.000 đồng, 1.000 đồng dù trong kho vẫn còn,” trưởng phòng một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết.

Nhân viên ngân hàng "đau đầu" vì đổi tiền mới cho khách ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Ông Nguyễn Chí Thành, Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, cùng với việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiền mặt vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước thường chi ra một lượng nhất định tiền mới, trong đó có tiền mệnh giá nhỏ để đáp ứng một phần nhu cầu của nhân dân.

Ông Thành cho rằng, nếu mọi người cùng đổi tiền trong một thời gian ngắn để sử dụng trong ngày Tết thì nhu cầu tiền mới, tiền mệnh giá nhỏ tăng đột biến, tạo áp lực rất lớn đối với cơ quan phát hành và hệ thống ngân hàng. Như vậy, khi Tết qua đi sẽ tạo ra sự “dư thừa” và mất cân đối lớn về cơ cấu mệnh giá, ảnh hưởng đến công tác điều hòa lưu thông tiền mặt của hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước. Do đó Ngân hàng Nhà nước phải chủ động điều hòa nhu cầu Tết và cơ cấu tiền mặt để hạn chế những tác động bất lợi này đối với lưu thông tiền tệ.

Nhưng trong khi ngay các ngân hàng thương mại không có tiền mới, tiền lẻ đổi cho khách hàng thì ngoài "chợ đen" các mệnh giá "tuyệt hiếm" lại không hề thiếu.

Nói về "nghịch lý" này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc một số cá nhân lợi dụng nhu cầu về tiền mới của dân chúng để làm dịch vụ đổi tiền cũ lấy tiền mới hưởng chênh lệch là hành vi vi phạm pháp luật về tiền tệ. Theo Nghị định 96 về việc xử phạt đối với hoạt động không được phép thì năm nay, đối với hoạt động đổi tiền lẻ có thu phí nếu bị phát hiện sẽ bị phạt từ 20 đến 40 triệu đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục