Tỷ lệ thuốc nội dùng ở bệnh viện tuyến trung ương vẫn khiêm tốn

Hiện nay, tỷ lệ thuốc nội dùng trong các bệnh viện tuyến trung ương vẫn ở mức khá khiêm tốn, chỉ tăng từ 11%-15%, trong khi ở tuyến cơ sở, tuyến huyện tăng từ 61-69%, tuyến tỉnh tăng từ 31-35%.
Tỷ lệ thuốc nội dùng ở bệnh viện tuyến trung ương vẫn khiêm tốn ảnh 1Sản xuất thuốc tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 3. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Hiện nay, tỷ lệ thuốc nội dùng trong các bệnh viện tuyến trung ương vẫn ở mức khá khiêm tốn, chỉ tăng từ 11%-15%, trong khi ở tuyến cơ sở, tuyến huyện tăng từ 61-69%, tuyến tỉnh tăng từ 31-35%.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã cho biết như vậy tại hội nghị tổng kết giai đoạn 1 (2012-2016) và phát động triển khai giai đoạn 2 đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam,” do Bộ Y tế tổ chức sáng 12/5, tại Hà Nội.

Ông Cường nhấn mạnh, trở ngại lớn nhất trong công cuộc đẩy mạnh người Việt dùng thuốc Việt là chính những người bác sỹ. Bởi việc quyết định sử dụng thuốc là do bác sỹ, thầy thuốc là những người kê đơn và quyết định loại thuốc nào cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng chưa có ý thức tin tưởng vào thuốc nội mà vẫn sính thuốc ngoại đồng thời truyền thông cũng chưa vào cuộc một cách tích cực trong cuộc vận động người dân dùng thuốc nội.

Theo thống kê của Bộ Y tế, có nhiều địa phương đã vượt mục tiêu đề án khi có tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại tuyến huyện lên đến 80%, tuyến tỉnh trên 60% như tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An.

Những năm qua, ngành dược đã có một số bước phát triển đáng kể. Điển hình như các nhà máy sản xuất thuốc trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh, cung cấp được 10/12 loại vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Thuốc trong nước thuộc 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) với 520 hoạt chất trên tổng số 953 hoạt chất đang lưu hành trên thị trường.

Đến nay, nhiều nhà máy dược phẩm trong nước được đầu tư thiết bị máy móc hiện đại, tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực cao cùng với thiết lập đồng bộ hệ thống quản lý chất lượng để có thể sản xuất được cả nguyên liệu kháng sinh, văcxin, sinh phẩm và các dạng bào chế công nghệ cao. Bên cạnh đó, chất lượng thuốc sản xuất trong nước ngày càng được nâng cao, hình thức đẹp không thua kém thuốc ngoại nhập, trong khi giá thành rẻ hơn so với thuốc ngoại nhập cùng loại.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược, tính đến năm 2015, đã có 163 nhà máy sản xuất dược phẩm trong nước đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế Thế giới, một số nhà máy đi đầu đầu tư đã đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như EU, Nhật Bản…

Tại hội nghị, ông Tần Túc Mã – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Traphaco, đại diện doanh nghiệp dược phẩm trong nước cho hay, Traphaco là đơn vị đầu tiên và lớn nhất trên cả nước đầu tư trồng dược liệu và phát triển thuốc từ dược liệu. Đến nay, công ty có 800ha trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP (tiêu chuẩn của WHO về trồng, thu hái và chế biến dược liệu). Sản phẩm thuốc bổ gan của đơn vị này đạt vị trí đứng đầu thị phần trong nhóm thuốc gan mật có nguồn gốc dược liệu tại thị trường Việt Nam và được sử dụng tại hơn 500 cơ sở điều trị khám chữa bệnh trên cả nước.

Bên cạnh đó, Công ty đã đầu tư các dây chuyền sản xuất sử dụng công nghệ mới trên thế giới. Đó là dây chuyền sản xuất thuốc nhỏ mắt mới nhất trên thế giới, pha chế tự động với chu trình khép kín, công nghệ chiết rót dịch điện tử, tiệt trùng tự động đảm bảo vô trùng tuyệt đối cho các sản phẩm thuốc nhỏ mắt.

Theo ông Mã, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp dược trong nước hiện nay cũng đã đầu tư nhiều chi phí để sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao như chuẩn hóa đầu vào theo tiêu chuẩn của WHO, nghiên cứu khoa học đầy đủ và bài bản, hệ thống sản xuất công nghệ cao… từ đó dẫn đến có giá thành cao.

Vì vậy, vị đại diện các doanh nghiệp dược trong nước kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế xem xét phương án phù hợp, đẩy mạnh việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm thuốc nội chất lượng tốt trong điều trị tại các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích, tạo sự cạnh tranh hợp lý cho các sản phẩm dược phẩm Việt Nam có tiêu chuẩn chất lượng cao.

Tại hội nghị, Bộ Y tế đã phát động triển khai giai đoạn 2 (2017-2020) của đề án với các mục tiêu đề ra đến cuối năm 2020 tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm 30% ở tuyến Trung ương, 50% ở tuyến tỉnh và 75% ở tuyến huyện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục