Ai Cập: Các điểm bỏ phiếu vắng vẻ trong ngày bầu cử thứ ba

Giới thanh niên, khối cử tri lớn nhất tại Ai Cập với 37 triệu người, đã tẩy chay bỏ phiếu do bất mãn về các chính sách không được lòng dân của chính quyền lâm thời, trong đó có Luật biểu tình.
Ai Cập: Các điểm bỏ phiếu vắng vẻ trong ngày bầu cử thứ ba ảnh 1Cử tri cuối cùng của ngày 27/5 ra về lúc 21 giờ tại một điểm bỏ phiếu ở Cairo. (Ảnh: Hoàng Chiến/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày bầu cử thứ ba ở Ai Cập vẫn diễn ra khá yên bình trong khi dư luận tiếp tục phản ứng về quyết định hết sức đột ngột của Ủy ban Bầu cử tổng thống Ai Cập (PEC) kéo dài thời gian bỏ phiếu thêm một ngày do tỷ lệ cử tri đi bầu quá thấp.

Cả hai ứng cử viên là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah el-Sisi và chính trị gia cánh tả Hamdeen Sabahi đều đệ đơn khiếu nại quyết định của PEC.

Phe Sabahi cáo buộc rằng tuyên bố về việc số lượng cử tri đi bầu thấp đã được sử dụng như một "cái cớ" để kéo dài thời gian bỏ phiếu, từ đó nhằm "thao túng" kết quả.

Vị chính trị gia lão luyện 60 tuổi này cũng quyết định rút tất cả các đại diện của mình ra khỏi các địa điểm bỏ phiếu trên toàn quốc để phản đối "quyết định phi lý" của PEC.

Một cố vấn pháp lý của Tổ chức Sáng kiến quyền cá nhân Ai Cập cũng cho rằng quyết định của PEC là bất hợp pháp và không hợp lệ.

Theo quy định của Luật bầu cử tổng thống Ai Cập, mọi thay đổi phải được công bố trên báo chí nhà nước, trong khi PEC đã không làm như vậy.

Trong khi đó, Liên minh Quốc gia ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng do tổ chức Anh em Hồi giáo dẫn đầu quy tụ 34 chính đảng và phong trào Hồi giáo ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi - cho rằng số lượng cử tri đi bầu quá thấp ảnh hưởng tới uy tín và lòng tin của người dân vào ứng cử viên Sisi, người đang cố gắng để giành được sự ủng hộ áp đảo.

Phát ngôn viên của NASL nhấn mạnh không nghi ngờ về việc ông Sisi sẽ giành chiến thắng, song vị cựu Tư lệnh quân đội này đang muốn tìm kiếm một chiến thắng vang dội với tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhằm gửi thông điệp tới phương Tây rằng cuộc chính biến ngày 3/7 vừa qua lật đổ Tổng thống dân bầu Mohamed Morsi không phải là cuộc đảo chính mà là một "cuộc cách mạng nhân dân."

Trong một diễn biến khác, các quan chức chính phủ, giới truyền thông trong nước và các chính trị gia vẫn tiếp tục những nỗ lực cuối cùng nhằm thúc đẩy cử tri đi bầu.

Ông Ahmed Shafiq, Thủ tướng cuối cùng của chính quyền Hosni Mubarak, kêu gọi những người từng bỏ phiếu cho mình trong cuộc bầu cử tổng thống giữa năm 2012 tham gia bỏ phiếu trong ngày 28/5.

Đảng Salafist Nour, lực lượng Hồi giáo duy nhất tham gia cuộc bầu cử tổng thống lần này và ủng hộ ứng cử viên el-Sisi, huy động xe buýt và xe ba bánh chở cử tri đi bầu.

Tuy nhiên, các nỗ lực nêu trên cũng như quyết định kéo dài thời gian bỏ phiếu hầu như không phát huy hiệu quả.

Theo ghi nhận trực tiếp của phóng viên TTXVN tại Ai Cập, số lượng cử tri đi bầu tại nhiều địa điểm bỏ phiếu ở Cairo và tỉnh Giza - địa phương lớn thứ ba của Ai Cập - vẫn rất thưa thớt. Nhiều điểm thậm chí còn vắng tanh dù một nửa thời gian của ngày bỏ phiếu thứ ba đã trôi qua và nhiệt độ đã dịu hơn nhiều so với hai ngày trước.

Các nhà phân tích cho rằng tình trạng này chủ yếu xuất phát từ việc thanh niên, khối cử tri lớn nhất tại Ai Cập với 37 triệu người, quyết định tẩy chay bỏ phiếu do bất mãn về các chính sách không được lòng dân của chính quyền lâm thời, trong đó có Luật biểu tình gây tranh cãi.

Theo Tổng thư ký PEC Abdel Aziz Salman, chỉ 37% trong tổng số gần 54 triệu cử tri Ai Cập đi bỏ phiếu trong hai ngày 26-27/5. Kết quả trên thấp hơn nhiều so với mức 51% tại vòng hai cuộc bầu cử tổng thống vào giữa tháng 6/2012, mặc dù đông đảo cử tri tẩy chay cuộc bỏ phiếu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục