Ai Cập tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp để đối phó với khủng bố

Theo hãng thông tấn MENA, việc gia hạn tình trạng khẩn cấp cho phép các lực lượng an ninh tiến hành những biện pháp cần thiết để đối phó với những mối đe dọa về an ninh liên quan đến khủng bố.
Ai Cập tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp để đối phó với khủng bố ảnh 1Lực lượng cảnh sát Ai Cập. (Nguồn: Reuters)

Ngày 2/1, hãng thông tấn nhà nước MENA của Ai Cập đưa tin nước này sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 3 tháng, bắt đầu từ ngày 13/1, nhằm đối phó với những mối đe dọa và hoạt động tài trợ cho khủng bố.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đã ban bố sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp này.

Lần đầu tiên Ai Cập áp dụng tình trạng khẩn cấp hiện hành là vào tháng 4/2017 sau khi xảy ra 2 vụ đánh bom nhà thờ khiến ít nhất 45 người thiệt mạng. Tình trạng khẩn cấp đã được tiếp tục gia hạn hồi tháng 7 và tháng 10/2017. Theo Hiến pháp Ai Cập, tình trạng khẩn cấp không được kéo dài quá 6 tháng.

Theo MENA, việc gia hạn tình trạng khẩn cấp cho phép các lực lượng an ninh tiến hành những biện pháp cần thiết để đối phó với những mối đe dọa về an ninh liên quan đến khủng bố đồng thời nhằm đảm bảo an ninh cho tất cả các khu vực trên toàn quốc.


[6 cảnh Ai Cập sát thiệt mạng trong vụ trạm kiểm soát bị tấn công]

Ai Cập hiện đang phải đối mặt với làn sóng các vụ tấn công khủng bố làm hàng trăm cảnh sát và binh sĩ của quân đội nước này thiệt mạng kể từ khi cựu Tổng thống Mohamed Morsi bị phế truất hồi giữa năm 2013.

Các vụ tấn công khủng bố trên chủ yếu diễn ra tại khu vực phía Bắc bán đảo Sinai nhằm vào các lực lượng an ninh và cộng đồng thiểu số tín đồ Cơ đốc giáo, trong đó phần lớn là do chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Sinai thực hiện.

Mới đây nhất đã xảy ra vụ tấn công khủng bố nhằm vào một nhà thờ Cơ đốc giáo ở phía Nam thủ đô Cairo của Ai Cập làm ít nhất 9 người thiệt mạng. IS đã lên tiếng thừa nhận tiến hành vụ tấn công này.

Theo các chuyên gia, ngoài chi nhánh của IS tại bán đảo Sinai, Ai Cập cũng đang đối mặt với mối đe dọa từ 5-7 nhóm thánh chiến cực đoan khác.

Thời gian gần đây, các phần tử khủng bố đã mở rộng mục tiêu tấn công, lâu nay vốn nhằm vào các lực lượng quân đội, cảnh sát, quan chức chính phủ, người nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao... sang cả cộng đồng Cơ đốc giáo và người Hồi giáo.

An ninh hiện đang là thách thức nghiêm trọng nhất tại Ai Cập, đặc biệt trong bối cảnh nước này chuẩn bị tiến hành cuộc bầu cử tổng thống, dự kiến diễn ra vào giữa năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục