Ấn Độ đối mặt với hàng loạt hiểm họa khí hậu và thời tiết cực đoan

Chuyên gia cảnh báo có tới 90% tổng diện tích của Ấn Độ hiện nay nằm trong vùng nhiệt độ vô cùng cao trong khi nước này không có sự chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn.
Ấn Độ đối mặt với hàng loạt hiểm họa khí hậu và thời tiết cực đoan ảnh 1Lòng hồ khô cạn do hạn hán tại làng Bandai, huyện Pali, Ấn Độ, ngày 11/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các đợt nắng nóng khắc nghiệt đang làm gia tăng gánh nặng đối với ngành nông nghiệp, kinh tế và y tế cộng đồng của Ấn Độ, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang làm suy yếu những nỗ lực dài hạn của quốc gia Nam Á này nhằm giảm nghèo đói, bất bình đẳng và bệnh tật.

Trong nghiên cứu mới được công bố ngày 19/4, nhóm nhà học giả do ông Ramit Debnath thuộc Đại học Cambridge làm chủ nhiệm, cho biết kể từ năm 1992, nắng nóng đã cướp đi sinh mạng của hơn 24.000 người, làm gia tăng tình trạng ô nhiễm không khí và đẩy nhanh tốc độ tan băng ở khu vực miền Bắc Ấn Độ.

Nghiên cứu cũng lưu ý Ấn Độ đang đối mặt với hàng loạt hiểm họa khí hậu, với thời tiết cực đoan xảy ra gần như mỗi ngày trong thời gian từ tháng Một đến tháng Mười năm ngoái.

Ông Debnath cảnh báo có tới 90% tổng diện tích của Ấn Độ hiện nay nằm trong vùng nhiệt độ vô cùng cao trong khi nước này không có sự chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn.

Ông cho rằng Ấn Độ đã triển khai tương đối nhiều biện pháp nhằm đối phó với sóng nhiệt, song vẫn cần tối ưu hóa tốc độ thực hiện các kế hoạch này. Các biện pháp thích nghi được ông đánh giá là khá mạnh mẽ, song mới chỉ dừng lại trên văn bản mà chưa có sự thực hành phù hợp.

[Ấn Độ: 11 người tử vong do say nắng khi dự một sự kiện ngoài trời]

Các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo các đợt nắng nóng đang làm suy yếu những nỗ lực của Ấn Độ trong việc đạt được Các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc nhằm giảm đói nghèo, bất bình đẳng và dịch bệnh.

Cụ thể, nắng nóng cực đoan có thể làm giảm 15% năng suất làm việc ngoài trời của người nông dân, làm giảm chất lượng cuộc sống của 480 triệu người và gây thiệt hại 2,8% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này vào năm 2050.

Theo Báo cáo minh bạch khí hậu được các nhóm môi trường công bố hồi năm ngoái, năng suất sụt giảm do tác động của nhiệt độ tăng cao có thể khiến Ấn Độ gánh chịu thiệt hại ước tính tương đương 5,4% GDP./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục