Ấn Độ: Tiềm năng và trở ngại trên đường đua công nghệ thế giới

Để New Delhi có thể khai thác triệt để việc tìm kiếm các giải pháp thay thế cho sản xuất công nghệ của Trung Quốc, nước này cần phải khắc phục các vấn đề mang tính hệ thống.
Ấn Độ: Tiềm năng và trở ngại trên đường đua công nghệ thế giới ảnh 1(Nguồn: eetasia.com)

Tờ Straits Times (Singapore) đã đăng bài bình luận của tác giả Nirmala Ganapathy về những cơ hội và thách thức đối với Ấn Độ trong cuộc đối đầu công nghệ Mỹ-Trung, nội dung như sau:

Khi Chính phủ Ấn Độ công bố danh sách các công ty được phép tiến hành thử nghiệm 5G (vốn đã bị trì hoãn nhiều) trong khoảng thời gian 6 tháng, thông tin đáng chú ý không phải là về tên các công ty được chọn, mà thay vào đó là những công ty mà nước này đã không lựa chọn.

Trong đó, các công ty Huawei và ZTE của Trung Quốc dù không bị cấm tại Ấn Độ song cũng không lọt vào danh sách những công ty viễn thông được phê duyệt.

Những công ty được phê duyệt bao gồm Samsung của Hàn Quốc và Nokia của Phần Lan.

[Apple bắt đầu sản xuất điện thoại iPhone 12 tại Ấn Độ]

Điều này cho thấy New Delhi luôn cảnh giác với việc cho phép các công ty Trung Quốc bước vào những lĩnh vực nhạy cảm hoặc lĩnh vực chiến lược như viễn thông, với lo ngại rằng điều đó sẽ tạo cơ hội để Bắc Kinh do thám, theo dõi các lợi ích của Ấn Độ.

Và sự ngờ vực này đã gia tăng sau những căng thẳng biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc hồi năm ngoái.

"Tách rời" khỏi Trung Quốc

Trong khi vấn đề biên giới được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán thì vấn đề này cũng đã làm thay đổi hoàn toàn động lực của mối quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc.

Chuyên gia địa chiến lược Brahma Chellaney trên tờ Nikkei Asia cho rằng do tâm lý của Ấn Độ đối với Trung Quốc đang trở nên tiêu cực, không có gì ngạc nhiên khi các mối quan hệ kinh tế đã không còn bị ràng buộc với những rắc rối ở biên giới nữa. Điều này rõ ràng như đã thấy trong quyết định của New Delhi về việc cấm hơn 100 ứng dụng của Trung Quốc.

Đối với các công ty Trung Quốc, điều này có nghĩa là tại thời điểm này, họ không có quyền tự do mở rộng và sẽ gặp bất lợi trước các đối thủ từ Mỹ hoặc phương Tây.

Ông Pranay Kotasthane, người đứng đầu Chương trình Địa chính trị Công nghệ cao tại Viện Takshashila ở Bangalore, cho rằng mọi công ty và khoản đầu tư của Trung Quốc hiện nay đều được nhìn từ "lăng kính chiến lược" hơn là từ góc nhìn kinh tế thuần túy. Điều này có nghĩa là các công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực công nghệ, vốn đang có khoảng thời gian "đóng cửa" lâu hơn.

Những diễn biến này diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng.

Washington đã bận rộn, liên tục thúc giục các đồng minh của mình và các quốc gia khác "cấm cửa" Huawei ở những quốc gia đó trong quá trình triển khai công nghệ 5G.

Kể từ khi gia nhập thị trường Ấn Độ vào năm 1999, Huawei đã có thể mở rộng hoạt động vượt ra ngoài mảng thiết bị viễn thông và phần mềm sang tới lĩnh vực điện thoại thông minh và các bộ loa.

Theo một số ước tính, Huawei đã tham gia sâu vào việc triển khai công nghệ 4G ở Ấn Độ và chiếm khoảng 24% thị phần.

Sự phụ thuộc vào thiết bị Trung Quốc này diễn ra thông qua các công ty viễn thông thuộc sở hữu của Chính phủ Ấn Độ, với công ty Bharat Sanchar Nigam có đến 53,4% thiết bị 4G là từ ZTE và Huawei.

Các công ty viễn thông Ấn Độ hiện được yêu cầu tránh sử dụng thiết bị của Trung Quốc.

Tuy nhiên, điều này là không dễ dàng vì ước tính chi phí có thể tăng lên từ 15% đến 20% nếu có lệnh cấm đối với các nhà cung cấp Trung Quốc.

Ấn Độ là nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc và đang nhắm đến mục tiêu sản xuất 1 tỷ chiếc vào năm 2025.

Ấn Độ cũng có một nguồn nhân tài sẵn có và nền tảng người tiêu dùng ngày càng mở rộng cho các công ty công nghệ, từ lĩnh vực điện tử kỹ thuật số và phần mềm đến các dịch vụ liên quan đến Internet, chẳng hạn như thương mại điện tử.

Các chuyên gia tin rằng trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ, Ấn Độ sẽ hoan nghênh các công ty phương Tây hơn là Trung Quốc.

Theo ông Kotasthane, trong lĩnh vực công nghệ, Ấn Độ có khả năng chào đón, hoanh nghênh nguồn đầu tư và các công ty từ Mỹ hơn Trung Quốc.

Nhưng trong các lĩnh vực truyền thống như cơ sở hạ tầng cứng và máy móc điện, việc đưa ra mức giá hời hơn nhiều của các công ty Trung Quốc khiến chúng trở thành không thể thay thế trong ngắn hạn.

Điều đó nói lên rằng việc Ấn Độ xoay trục sang Mỹ trong bối cảnh lo lắng về an ninh ngày càng tăng về tham vọng của Trung Quốc có thể sẽ chứng kiến sự hợp tác lớn hơn giữa Mỹ và Ấn Độ trên lĩnh vực công nghệ.

Điều này đã được minh chứng tại Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Đối thoại Tứ giác An ninh (Quad), một nhóm an ninh không chính thức có sự tham gia của Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản.

Nhóm Quad đã quyết định triển khai một nhóm làm việc kỹ thuật công nghệ mới nổi và quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác về các tiêu chuẩn quốc tế và các công nghệ đổi mới sáng tạo của tương lai.

Nhóm Quad cho rằng sự hợp tác về các kỹ thuật công nghệ quan trọng của tương lai là nhằm "đảm bảo rằng sự đổi mới sáng tạo là phù hợp và tuân thủ với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự cường, tự do, cởi mở và bao trùm."

Alex Capri, Giảng viên cao cấp tại trường Kinh doanh, Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng yếu tố địa chính trị đã kiên quyết đưa quỹ đạo của Ấn Độ là phù hợp với Mỹ và các đồng minh nhóm Quad, cũng như các đồng minh lịch sử khác của Mỹ.

Ấn Độ hiện đã được "khuyến khích" hơn nữa để tiến hành "ngăn cách" khỏi Trung Quốc, trong lĩnh vực chuỗi cung ứng kỹ thuật công nghệ (liên quan đến) các bộ phận, linh kiện và hàng tiêu dùng hoàn chỉnh như các thiết bị di động và đồ điện tử, cũng như trong lĩnh vực tiền tệ đối với các công ty khởi nghiệp và các "kỳ lân" công nghệ.

Các nền tảng kỹ thuật số đã chia tách hoàn toàn. Điều này mở ra thêm nhiều cơ hội cho các công ty tại Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và các nơi khác, thông qua các sáng kiến chuỗi cung ứng "không Trung Quốc" cũng như các liên minh công nghệ khác.

Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy việc tạo ra chuỗi cung ứng "không Trung Quốc" trong các ngành công nghiệp chiến lược, bao gồm pin, đất hiếm và chất bán dẫn, đã mang lại cơ hội để Ấn Độ trở thành một địa điểm sản xuất công nghệ thay thế.

Theo một báo cáo của Hinrich Foundation, Ấn Độ có thể vận động Washington thuyết phục công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (Trung Quốc) TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, và những công ty khác "xây dựng hệ thống lắp ráp bảng mạch in và lắp ráp chất bán dẫn thuê ngoài ở Ấn Độ" cũng như nâng cao năng lực hoạt động tại Ấn Độ.

Báo cáo này lưu ý rằng Mỹ đã thuyết phục được TSMC xây dựng một nhà máy chế tạo chất bán dẫn ở Arizona "hoàn toàn dựa trên các mệnh lệnh địa chính trị và an ninh quốc gia."

Tiềm năng và những trở ngại của Ấn Độ

Trong khi đó, các công ty Mỹ đã và đang mở rộng ở Ấn Độ. Ví dụ, Apple đã và đang đa dạng hóa việc sản xuất điện thoại di động của mình ra khỏi Trung Quốc và chuyển sang các quốc gia khác, bao gồm cả Ấn Độ.

Foxconn, công ty sản xuất và lắp ráp các thành phần quan trọng cho Apple, đang muốn đầu tư 1 tỷ USD. Google có 4,5 tỷ USD cổ phần trong công ty viễn thông Ấn Độ Jio.

Giám đốc điều hành Sundar Pichai của công ty Mỹ cho biết họ có kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD, bao gồm cả vào các công nghệ mới nổi, vào Ấn Độ trong vòng 5 đến 7 năm tới.

Tuy nhiên, sự nổi lên của Ấn Độ như một trung tâm công nghệ phụ thuộc vào việc liệu chính phủ có thể giải quyết các vấn đề cơ cấu hay không.

Trong khi những nỗ lực đã được thực hiện để cải thiện sự dễ dàng trong kinh doanh - chẳng hạn như đơn giản hóa hệ thống thuế thông qua thuế hàng hóa và dịch vụ cũng như đưa ra các chương trình khuyến khích trong sản xuất - thì vẫn còn những hạn chế mang tính hệ thống do sự phối hợp yếu kém giữa các bang và chính phủ liên bang cũng như sự ăn sâu bám rễ của các thủ tục hành chính rườm ra.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đang diễn ra ở Ấn Độ cũng là một đòn giáng tàn khốc, với mức độ thiệt hại đầy đủ đối với nền kinh tế hiện tại vẫn chưa thể được biết đến.

Sản xuất chỉ chiếm 13,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ vào năm 2019, trong khi của Trung Quốc là 27,1%.

Các công ty đã rời khỏi Trung Quốc để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ cũng không nhất thiết phải đến Ấn Độ, một phần vì những rào cản về cơ cấu của nước này.

Để New Delhi có thể khai thác triệt để việc tìm kiếm các giải pháp thay thế cho sản xuất công nghệ của Trung Quốc, nước này cần phải khắc phục các vấn đề mang tính hệ thống.

Đối với các nhà sản xuất công nghệ cũng như các nhà phân tích bảo mật, có một yếu tố khác cần xem xét, đó là quy mô tuyệt đối của Ấn Độ.

Đối với tất cả các xung đột địa chính trị, các công ty Trung Quốc không nhiều khả năng từ bỏ thị trường Ấn Độ, hoặc Ấn Độ cũng khó có thể rút lui hoàn toàn.

Các nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc như Xiaomi và Oppo tiếp tục thống trị mảng kinh doanh điện thoại thông minh tại Ấn Độ và cũng đã chuyển hoạt động sản xuất sang Ấn Độ.

Ấn Độ: Tiềm năng và trở ngại trên đường đua công nghệ thế giới ảnh 2Một cửa hàng Xiaomi ở Ấn Độ. (Nguồn: xiaomitoday.it)

Các cuộc chiến về dữ liệu, quyền riêng tư và công nghệ hiện đang diễn ra sẽ quyết định tương lai của thế giới và Ấn Độ cũng không phải là ngoại lệ.

Tuy nhiên, tiềm năng của một quốc gia khổng lồ như Ấn Độ sẽ khiến nước này trở nên khác biệt so với các đối thủ khác bị cuốn vào cuộc tranh cãi đang diễn ra này giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ông Pavithran Rajan, một doanh nhân công nghệ, đồng thời là học giả, cựu sỹ quan quân đội, cho rằng về nhiều mặt, Ấn Độ đang ở trạng thái "quốc gia xoay chiều" và sẽ là nước quyết định "đường nét địa chính trị" của thế kỷ tới.

Đây cũng là lý do mà Ấn Độ cần phải cẩn thận do cả Mỹ và Trung Quốc sẽ nhận thức được tiềm năng tiềm ẩn của Ấn Độ và sẽ rất thận trọng điều chỉnh sự trỗi dậy của Ấn Độ để lợi ích của chính hai nước này vẫn là "tối cao"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục