Ngày 27/3, Hội nghị cấp cao về an ninh năng lượng năm 2015 với chủ đề “Định hình an ninh năng lượng của Ấn Độ” đã diễn ra tại thủ đô New Delhi.
Hội nghị do Bộ Dầu khí Ấn Độ tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm hoạt động của các công ty dầu khí quốc gia hàng đầu cả nước như ONGC Videsh Ltd (OVL), Engineers India Ltd (EIL) và công ty lọc dầu Indian Oil Corp (IOC).
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhiều bộ trưởng, quan chức chính phủ, nhà hoạch định chính sách, nhà sáng chế công nghệ, đại diện tất cả các công ty dầu mỏ nhà nước, tổng giám đốc các công ty toàn cầu, các đối tác liên doanh, các nhà lãnh đạo công nghiệp, nhà khoa học, đại diện ngoại giao đoàn nhiều nước, trong đó có Đại sứ Việt Nam Tôn Sinh Thành, đã tham dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Quốc vụ khanh phụ trách về dầu khí Dhrarmendra Pradhan nhận định sự phát triển của ngành công nghiệp dầu mỏ và khí tự nhiên là một điển hình về nỗ lực của Ấn Độ trong hành trình tự lực kinh tế.
Với số dân chiếm 15% thế giới và nền kinh tế đang phát triển, Ấn Độ là nơi tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 3 châu Á và tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới, song phải nhập khẩu phần lớn dầu thô. Do nhu cầu năng lượng trong nước và toàn cầu ngày càng tăng, ngành công nghiệp dầu khí Ấn Độ đứng trước nhiều thách thức và cơ hội.
Đề cập đến việc Ấn Độ phải nhập khẩu tới 77% năng lượng để đáp ứng nhu cầu hiện nay, Thủ tướng Narendra Modi khẳng định quyết tâm sẽ cắt giảm 10% nhu cầu nhập khẩu vào năm 2022, khi Ấn Độ kỷ niệm 75 năm ngày Độc lập.
Theo ông Modi, nếu mục tiêu này được thực hiện thành công, điều đó có nghĩa Ấn Độ sẽ tăng 10% sản lượng năng lượng sản xuất trong nước và sẽ tiếp tục phấn đấu tăng tiếp sản lượng để có thể giảm tỷ lệ nhập khẩu xuống còn 50% vào năm 2030.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Modi cũng đề nghị các công ty tăng cường kết nối hệ thống đường ống dẫn khí đốt cho các hộ gia đình từ con số 270.000 hộ hiện nay lên 10 triệu hộ trong vòng 4 năm tới.
Nhà lãnh đạo Ấn Độ kêu gọi dỡ bỏ cơ chế bù giá khí đốt để giúp tiết kiệm được 1 tỷ rupee (khoảng 16 triệu USD). Số tiền này sẽ được đầu tư cho các chương trình phúc lợi cho người nghèo.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã tiến hành nhiều phiên thảo luận về chính sách năng lượng, cơ chế tài chính, cơ chế quản lý kinh tế năng lượng, vai trò điều chỉnh của các công ty dầu mỏ và của các công ty đối tác kinh doanh.
Hội nghị cũng tập trung thảo luận về tiềm năng của Ấn Độ trong lĩnh vực dầu khí; việc thành lập diễn đàn an ninh năng lượng mới; vạch ra lộ trình tăng cường an ninh năng lượng nhằm tạo cơ hội kinh doanh dài hạn; hướng tới các thỏa thuận hợp tác với các đối tác chủ chốt toàn cầu; thiết lập khuôn mẫu hợp tác khu vực để thể chế hóa Diễn đàn đối thoại của các nước nhập khẩu dầu mỏ và tiến hành đối thoại về khả năng thành lập trung tâm khí đốt quốc gia./.