Ngày 30/11, tại Trụ sở Ban Thư ký ASEAN đã diễn ra lễ phát động chiến dịch “ASEAN HeForShe.”
Đây là hoạt động hưởng ứng kỷ niệm Ngày Quốc tế về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11. Chiến dịch cũng được đưa ra trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nhấn mạnh chiến dịch ASEAN HeForShe thể hiện cam kết mạnh mẽ của ASEAN trong việc loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.
Thông qua chiến dịch này, ASEAN cùng với thế giới thực hiện bình đẳng giới bằng cách khuyến khích nam giới cùng hành động chống lại những bất bình đẳng tiêu cực mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt. Mỗi người đều có trách nhiệm quảng bá văn hoá tôn trọng phụ nữ và trẻ em gái. Điều đó là cần thiết để thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong ASEAN. Sự thay đổi tư duy trong vấn đề này nhằm hướng tới việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN thực sự toàn diện trong những năm tới.
[Infographics] Tình trạng bình đẳng giới tính ở nơi làm việc
Tổng Thư ký Lê Lương Minh khẳng định mặc dù các quốc gia thành viên ASEAN đã đạt được một số thành tựu về bình đẳng giới, nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo cơ hội bình đẳng cho nam giới và phụ nữ trong ASEAN. Sự khởi động chiến dịch này đã gửi một thông điệp mạnh mẽ không chỉ với cộng đồng quốc tế, mà còn tái khẳng định quyết tâm tập thể của ASEAN trong việc tôn trọng và bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Trao quyền cho phụ nữ và Bảo vệ trẻ em Indonesia, Yohana Susana Yembise cho biết là quốc gia có số dân theo đạo Hồi đông nhất thế giới, Indonesia gặp phải những khó khăn trong thực hiện bình đẳng giới, trong đó có những quy định riêng liên quan đến đạo Hồi. Tuy nhiên, Indonesia đã có những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực này và phụ nữ ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong xã hội.
Theo Hệ thống theo dõi tiến độ Cộng đồng ASEAN năm 2017, tỷ lệ các vị trí trong khu vực nhà nước ở các nước thành viên ASEAN, các vị trí trong ngành tư pháp, số thành viên nữ trong nghị viện... vẫn còn có những khoảng cách so với nam giới. Khoảng cách về giới cũng vẫn tồn tại trong các trường học và các dịch vụ của chính phủ, cho thấy ASEAN cần phải tích cực hơn trong việc thúc đẩy thực hiện mục tiêu xã hội hài hòa trong Cộng đồng ASEAN.
Trả lời phóng viên TTXVN nhân sự kiện trên, tiến sỹ Miwa Kato, Giám đốc Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ: “Vấn đề bình đẳng giới hiện nay đang được coi trọng. Tại nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam, nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và từ đó cũng kéo theo những tiến bộ trong vấn đề bình đẳng giới, thúc đẩy nhân quyền. Chúng tôi tin rằng phụ nữ và những trẻ em gái ngày càng được đối xử bình đẳng trong xã hội và cũng có nhiều cơ hội hơn để thể hiện bản thân cũng như thăng tiến trong công việc. Hiện nay phụ nữ đảm nhận nhiều vị trí mà trước kia chủ yếu do nam giới gánh vác, đồng thời ngoài công việc cơ quan, họ còn rất bận rộn với công việc gia đình. Do đó, chiến dịch hành động đảm bảo bình đẳng giới của ASEAN rất hữu ích giúp chúng ta có cách nhìn nhận và chia sẻ những khó khăn mà phụ nữ phải đối mặt.”
HeForShe là chiến dịch do UN Women khởi xướng nhằm đề cao vai trò quan trọng của nam giới trong sứ mệnh thúc đẩy quyền của người phụ nữ. Chiến dịch kêu gọi nam giới toàn cầu tham gia và hành động vì bình đẳng giới, xóa bỏ những rào cản về xã hội, văn hóa đang cản trở một nửa thế giới còn lại phát huy tiềm năng của mình./.