AstraZeneca khẳng định vắcxin của hãng có thể chống lại biến thể mới

Giám đốc Soriot cho biết vắcxin của AstraZeneca/Đại học Oxford đã được chứng minh có hiệu quả, dung nạp tốt, bảo quản đơn giản và được cung ứng phi lợi nhuận.
AstraZeneca khẳng định vắcxin của hãng có thể chống lại biến thể mới ảnh 1Vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca/Đại học Oxford. (Ảnh: AFP/TTXVN)

"Hôm nay là một ngày quan trọng đối với hàng triệu người dân ở Anh, những người sẽ được tiếp cận với loại vắcxin mới."

Giám đốc điều hành hãng dược phẩm AstraZeneca Pascal Soriot đưa ra tuyên bố trên ngày 30/12 ngay sau khi Chính phủ Anh thông báo cấp phép sử dụng vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do công ty này phối hợp với Đại học Oxford phát triển.

Trao đổi với báo giới, Giám đốc Soriot cho biết vắcxin của AstraZeneca/Đại học Oxford đã được chứng minh có hiệu quả, dung nạp tốt, bảo quản đơn giản và được cung ứng phi lợi nhuận.

Ông Soriot cũng bày tỏ tin tưởng vắcxin này sẽ có hiệu quả chống lại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đang lây lan mạnh tại Anh.

Trong tuyên bố chính thức, đại diện AstraZeneca cho biết những liều vắcxin đầu tiên sẽ được phân phối ngay trong ngày 30/12 "để việc tiêm chủng có thể bắt đầu vào đầu Năm mới."

Hãng đặt mục tiêu cung cấp hàng triệu liều vắcxin trong quý 1/2021, một phần trong thỏa thuận cung cấp 100 triệu liều vắcxin với Chính phủ Anh. Thỏa thuận này đồng nghĩa với việc 50 triệu người tại Anh, tương đương khoảng 75% dân số Anh, có thể được chủng ngừa.

Trong khi đó, Giáo sư nghiên cứu miễn dịch học thuộc Đại học Hoàng gia London nhận định một lần nữa, virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã chứng tỏ khả năng tiếp tục "tung hoành" khi vượt qua những nỗ lực mạnh mẽ nhất nhằm hạn chế tiếp xúc để chặn đường lây nhiễm.

Theo chuyên gia này, để thoát khỏi tình trạng này, không có cách nào khác ngoài phải đảm bảo phần lớn dân số có đủ kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Với việc Chính phủ cấp phép sử dụng vắcxin của AstraZeneca/Đại học Oxford, mục tiêu trên có thể đạt được vào mùa Xuân năm sau.

[Anh được khuyến cáo cần tiêm phòng cho 2 triệu người mỗi tuần]

Trước đó cùng ngày, Bộ Y tế Anh thông báo Chính phủ đã chấp nhận khuyến nghị của Cơ quan Quản lý dược phẩm và các sản phấm y tế Anh (MHRA) về việc cấp phép sử dụng vắcxin của AstraZeneca/Đại học Oxford.

Bộ trưởng Y tế Matt Hancock gọi đây là "khoảnh khắc để tôn vinh sự đổi mới sáng tạo của nước Anh - không chỉ vì chúng ta có trách nhiệm tìm ra phương pháp điều trị đầu tiên để giảm nguy cơ tử vong do mắc COVID-19, (mà còn vì) vắcxin này sẽ được cung cấp cho một số khu vực nghèo nhất trên thế giới với chi phí thấp, giúp bảo vệ vô số người khỏi căn bệnh khủng khiếp này."

Ông cũng bày tỏ kính trọng trước các nhà khoa học "phi thường" người Anh tại Đại học Oxford và AstraZeneca khi có bước đột phá giúp cứu sống nhiều người trên thế giới.

Quan chức này cũng không quên nhắn nhủ rằng mặc dù vắcxin của AstraZeneca/Đại học Oxford được cấp phép sử dụng là thông tin mang lại nhiều hy vọng, song điều quan trọng là mỗi người dân cần tiếp tục góp sức để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Cũng theo Bộ trưởng Hancock, MHRA sẽ xác định chi tiết về liều lượng tiêm vắcxin vào cuối ngày 30/12.

AstraZeneca khẳng định vắcxin của hãng có thể chống lại biến thể mới ảnh 2Tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho người dân tại Haxby, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính phủ Anh cho biết Ủy ban hỗn hợp về tiêm chủng và miễn dịch, cơ quan tư vấn về các chương trình tiêm chủng, đã khuyến nghị rằng cần ưu tiên mục tiêu có càng nhiều người trong nhóm nguy cơ cao được tiêm liều đầu tiên càng tốt, thay vì cố gắng tiêm đủ hai liều cần thiết trong thời gian ngắn nhất có thể. Khoảng cách giữa hai liều có thể lên tới 12 tuần và việc tiêm liều thứ hai là cần thiết để đảm bảo khả năng miễn dịch lâu dài hơn.

Trong khi đó, Bộ trưởng Michael Gove - người đứng đầu Văn phòng Nội các, cho biết việc phê duyệt vắcxin này có thể giúp Anh sớm dỡ bỏ các biện pháp hạn chế chống dịch.

Vắcxin của AstraZeneca/Đại học Oxford được điều chế bằng công nghệ vector, sử dụng virus gây bệnh cảm lạnh thông thường ở tinh tinh. Nó được phát triển để giúp hệ miễn dịch tấn công virus SARS-CoV-2 khi virus này xâm nhập vào cơ thể.

Kết quả các cuộc thử nghiệm lâm sàng cho thấy hiệu quả ngăn ngừa của vắcxin dao động trong khoảng 62-90%, tùy thuộc vào liều tiêm. Có hai liệu trình vắcxin khác nhau trong thử nghiệm.

Ở phác đồ một, tình nguyện viên được tiêm một nửa liều, sau đó ít nhất một tháng được tiêm liều đầy đủ, đạt hiệu quả 90%. Phác đồ thứ hai tiêm hai liều đầy đủ cách nhau một tháng, đạt hiệu quả 62%. Hiệu quả trung bình của hai phác đồ là 70,4%.

So với hai loại vắcxin của hãng dược Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) và Moderna (Mỹ), vắcxin của AstraZeneca/Đại học Oxford có thể được bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ không quá lạnh, nhờ đó tiết kiệm chi phí và dễ dàng sử dụng hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục