'Át chủ bài' trong tham vọng không gian vũ trụ của Trung Quốc

Đối với Trung Quốc, Mặt Trăng là một trạm dừng chân hoặc một căn cứ để giúp nước này trở thành một quốc gia thực sự chinh phục không gian, phản ánh sự sống động văn minh, sự vượt trội về ý thức hệ.
'Át chủ bài' trong tham vọng không gian vũ trụ của Trung Quốc ảnh 1Kỹ thuật viên kiểm tra modun của tàu Thường Nga 5 khi tàu hạ cánh xuống khu vực thuộc Khu tự trị Nội Mông, phía Bắc Trung Quốc, hoàn thành sứ mệnh khám phá Mặt Trăng, ngày 17/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo The Diplomat, tàu thăm dò Thường Nga 5 (Chang'e- 5) của Trung Quốc, mang theo 2kg mẫu đất đá thu thập được từ Mặt Trăng đã trở về Trái Đất an toàn hôm 17/12.

Trung Quốc coi việc phát triển khả năng tiếp cận và hiện diện trên Mặt Trăng đóng vai trò thiết yếu trong việc phô diễn sức mạnh không gian vũ trụ của mình. Sức mạnh này cho phép Bắc Kinh có thể thuyết phục hoặc cưỡng ép nước khác hành xử trên không gian vũ trụ theo cách có lợi cho Bắc Kinh.

Sức mạnh không gian vũ trụ bao gồm khả năng chứng minh sự hiện diện trong không gian vũ trụ, có khả năng độc lập phóng vệ tinh lên quỹ đạo, phát huy và duy trì sức mạnh không gian vũ trụ quân sự và có thể tiếp cận các vùng không gian quan trọng, bao gồm Mặt Trăng.

Đối với Trung Quốc, Mặt Trăng là một trạm dừng chân hoặc một căn cứ để giúp nước này trở thành một quốc gia thực sự chinh phục không gian, phản ánh sự sống động văn minh, sự vượt trội về ý thức hệ và sức mạnh kỹ thuật.

Dựa trên những khía cạnh này, có ba lý do giải thích vì sao Trung Quốc sẽ thúc đẩy công cuộc khám phá Mặt Trăng.

Nguồn cung cấp năng lượng khổng lồ

Trả lời phỏng vấn nhật báo của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hồi năm 2002, nhà khoa học vũ trụ hàng đầu của Trung Quốc Ouyang Ziyuan đã xác định rõ rằng: “Nhiệm vụ và mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là thiết lập một căn cứ trên Mặt Trăng nhằm khai thác và tận dụng nguồn tài nguyên giàu có của hành tinh này…"

Sau đó, đến năm 2003, ông này còn nói rằng: “Mặt Trăng có thể đóng vai trò là một nguồn cung cấp mới về năng lượng và tài nguyên dồi dào cho loài người..."

[Tàu vũ trụ Thường Nga 5 của Trung Quốc trở về Trái Đất]

Cũng trong năm này, Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) khi đó là Luan Enjie, ám chỉ rằng “khả năng phát triển và sử dụng những tài nguyên năng lượng và khoáng sản tiềm năng trên Mặt Trăng cung cấp những nguồn dự trữ tài nguyên cho sự phát triển bền vững của loài người."

Hiện trên Mặt Trăng có nước, helium-3 và titan và mối quan tâm đối với những nguồn nguyên liệu này là một tham vọng lâu dài. Và điều này được đặc biệt nhấn mạnh thông qua những bình luận được đưa ra khi nước này lần đầu tiên phóng tàu vũ trụ có người lái lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp hồi năm 2003.

Khai thác tài nguyên trên Mặt Trăng là một trong những động lực chính vào năm 2002 khi sứ mệnh khám phá Mặt Trăng của Trung Quốc đang ở giai đoạn đầu hình thành ý tưởng và thực hiện các nghiên cứu khả thi. 18 năm sau, khi Trung Quốc đạt được những tiến bộ về năng lực khám phá Mặt Trặng, nhận thức này của Bắc Kinh vẫn không hề thay đổi.

Thể hiện năng lực khám phá không gian vũ trụ

Trung Quốc mong muốn thể hiện tính ưu việt của nền văn minh dựa trên khả năng tự lực và những công cuộc cải tiến và đổi mới về công nghệ trong nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao như không gian vũ trụ.

Để có thể hoàn thành các nhiệm vụ không gian khó khăn, đặc biệt là trong quỹ đạo Mặt Trăng, Trung Quốc đã chứng minh sứ mệnh tàu thăm dò Thường Nga 5 có khả năng chinh phục không gian vũ trụ với công nghệ hiện đại. Trung Quốc đã mất 10 năm để hoàn thiện quá trình thử nghiệm tàu Thường Nga 5 với hàng trăm cuộc thử nghiệm.

Việc minh chứng những khả năng công nghệ vũ trụ như vậy đem lại những tác động trực tiếp về cách thức mà Trung Quốc được nhìn nhận đối với những nước quan tâm đến lĩnh vực này cũng như với những nước mà Bắc Kinh muốn gây ảnh hưởng bằng sức mạnh không gian vũ trụ của mình.

Năm 2021, Trung Quốc dự định sẽ hoàn thành một sứ mệnh khó khăn khác trên sao Hỏa với nỗ lực độc lập đầu tiên đi vào quỹ đạo sao Hỏa, hạ cánh trên bề mặt của nó và sau đó đưa xe tự hành hoạt động trên bề mặt hành tinh này. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ bắt kịp với năng lực và lợi thế khám phá sao Hỏa của Mỹ trong nhiều thập kỷ chỉ bằng một nỗ lực.

Biểu tượng không gian vũ trụ thế kỷ 21

Trung Quốc mong muốn trở thành biểu tượng không gian vũ trụ thế kỷ 21. Việc trở thành biểu tượng không gian của thế kỷ 21 đem lại những ẩn ý lâu dài đối với vị thế của Trung Quốc trong chính trường quốc tế.

Lĩnh vực không gian vũ trụ là một phần không thể thiếu của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). BRI và năng lực cạnh tranh của Trung Quốc trong lĩnh vực không gian vũ trụ đang thu hút sự chú ý của các nước thành viên BRI, bao gồm những nước châu Âu như Italy và Luxembourg. Sự hợp tác giữa CNSA và Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu (ESA) liên quan công tác hỗ trợ chuyến du hành của Thường Nga 5 là một minh chứng.

Các nước này mong muốn hợp tác với một trật tự không gian do Trung Quốc lãnh đạo vì những lợi ích kinh tế mà nó hứa hẹn trong tương lai, bao gồm các khoản đầu tư tài nguyên vào lĩnh vực không gian mới do châu Âu tài trợ. Trung Quốc càng thể hiện năng lực công nghệ không gian vũ trụ hiện đại thì nước này càng thu hút thêm nhiều đối tác quốc tế.

Một khi Trung Quốc thiết lập sự hiện diện của căn cứ hoạt động với robot tự động trên Mặt Trăng vào năm 2036, sau đó là cuộc đổ bộ của con người, với những năng lực tiên tiến để khai thác các tài nguyên trên bề mặt Mặt Trăng, thì thế giới sẽ kinh ngạc và ngạc nhiên vì sự hiện diện như vậy mang bản chất lâu dài. Sẽ có nhiều điều đáng quan tâm trong công cuộc khám phá không gian vũ trụ của Trung Quốc trong vòng 20 năm tới với những bước tiến về công nghệ hiện đại trong lĩnh vực này.

Trung Quốc mong muốn đạt được một trật tự không gian do nước này làm chủ với danh nghĩa đem lại những lợi ích kinh tế hào phóng cho các nước hợp tác kèm theo một cách diễn giải được tính toán một cách thận trọng về việc “mang lại lợi ích cho loài người."

Tuy nhiên, ẩn sau lời diễn giải nghe có vẻ “thuận tai” đó là một chương trình không gian mang đầy tham vọng đưa Trung Quốc trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực tiến bộ không gian vào năm 2049. Để đạt được mục tiêu này, năng lực khám phá Mặt Trăng với công nghệ tinh vi của Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng. Đó là lý do vì sao Mặt Trăng lại là quân “át chủ bài” trong tham vọng này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục