Australia ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine

Australia ủng hộ việc miễn trừ các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại đối với vaccine phòng COVID-19 và sẽ làm tất cả để thúc đẩy mở rộng sản xuất vaccine trên toàn cầu.
Australia ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ảnh 1Vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngày 8/9, Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan cho biết nước này sẽ ủng hộ nỗ lực của quốc tế thúc đẩy việc từ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với vaccine phòng COVID-19.

Phát biểu với truyền thông địa phương, ông Tehan nói rằng Chính phủ Australia ủng hộ việc miễn trừ các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại đối với vaccine phòng COVID-19 và sẽ làm tất cả để thúc đẩy mở rộng sản xuất vaccine trên toàn cầu, giúp người dân trên thế giới có thể tiếp cận với vaccine.

Ấn Độ và Nam Phi là hai quốc gia đi đầu trong chiến dịch kêu gọi thay đổi các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để giúp các nước có thu nhập thấp và trung bình dễ dàng sản xuất và bán với giá rẻ hơn các loại vaccine COVID-19 do các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia bào chế như vaccine của hãng Pfizer.

[Tự phát triển vaccine - Bước qua đại dịch bằng chính đôi chân mình]

Đầu năm nay, Mỹ đã lên tiếng ủng hộ chiến dịch trên và cho rằng cần có "các biện pháp đặc biệt" để tăng cường sản xuất vaccine trên toàn cầu nhằm chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Trong khi đề xuất về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine phòng COVID-19 nhận được sự ủng hộ của các nước có thu nhập thấp và trung bình, một số quốc gia châu Âu lại phản đối tại cuộc họp của WTO hồi đầu năm nay, một phần do lo ngại việc từ bỏ quyền sở hữu trên có thể không khuyến khích các công ty dược phẩm đầu tư vào công tác nghiên cứu và phát triển vaccine.

Về phía Australia, chính phủ nước này cũng đã cảnh báo rằng bản thân việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ sẽ không đủ để giúp tăng cường sản xuất hàng loạt vaccine phòng COVID-19 trên toàn cầu do hầu hết các quốc gia không có cơ sở sản xuất tiên tiến hoặc không có đủ công nhân lành nghề cần thiết cho hoạt động này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục