Bài cuối: Cấp thiết hoàn thiện chính sách cho thương mại điện tử

Phát triển thương mại điện tử, tạo động lực phát triển kinh tế số

Ở bài cuối của chùm bài, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân trao đổi về vai trò của thương mại điện tử trong nền kinh tế số và giải pháp hướng tới phát triển thương mại điện tử bền vững.
Phát triển thương mại điện tử, tạo động lực phát triển kinh tế số ảnh 1Siêu chợ cơ khí là là ứng dụng thương mại điện tử Make in Vietnam. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Gắn liền với xu hướng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các mô hình thương mại điện tử ngày càng đổi mới, các chuỗi cung ứng truyền thống với sự hỗ trợ của sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin trở thành chuỗi cung ứng thông minh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế số.

Đặc biệt, sức bật của thương mại điện tử lại càng được khẳng định trong môi trường ảnh hưởng dịch COVID-19.

Tuy nhiên, đến thời điểm này thương mại điện tử vẫn bộc lộ những bất cập khi phát triển cũng như yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý thương mại điện tử.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân về vai trò của thương mại điện tử trong nền kinh tế số cũng như giải pháp hướng tới phát triển thương mại điện tử bền vững.

- Xin Thứ trưởng nhận định về vai trò thương mại điện tử trong phát triển của nền kinh tế số Việt Nam thời gian qua?

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Cùng với xu hướng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số là yếu tố quan trọng tác động ảnh hưởng lớn đến đời sống, xã hội và cơ cấu của nền kinh tế. Thương mại dần được toàn cầu hóa; công nghệ cao và các mô hình kinh doanh mới ngày càng phát triển.

Thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực mấu chốt của nền kinh tế số vì thế cũng được mở rộng. Các mô hình thương mại điện tử ngày càng đổi mới, các chuỗi cung ứng truyền thống với sự hỗ trợ của sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin trở thành chuỗi cung ứng thông minh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế số.

[Đưa vào hoạt động Cổng Thông tin kết nối sàn thương mại điện tử]

Theo Nghị quyết 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, thương mại điện tử được định hướng là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số.

Qua đó, công nghệ tiên tiến của nền Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của hoạt động kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu.

Báo cáo do eMarketer công bố tháng 1/2022, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Bước vào giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển, trở thành kênh phân phối quan trọng.

Năm 2022, theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Sự phát triển mạnh của thương mại điện tử đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển chung của Kinh tế số Việt Nam.

Theo báo cáo mới nhất “Nền kinh tế Internet Đông Nam Á năm 2022” của Google và Temasek, tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam tiếp tục là quốc gia có quy mô nền kinh tế Internet đứng thứ 3 sau Indonesia và Thái Lan, đạt 23 tỷ USD vào năm 2022.

Báo cáo trên cũng đưa ra dự báo trong giai đoạn 2022 – 2025, kinh tế Internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực đạt khoảng 31%/năm, quy mô ước đạt 49 tỷ USD vào năm 2025.

- Dù thương mại điện tử phát triển khá lâu nhưng đến nay các chính sách vẫn chưa theo kịp thực tế cuộc sống. Điều này đã gây trở ngại gì trong việc vận hành và phát triển thương mại điện tử, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, Internet cùng những tác động của dịch COVID-19 không những thay đổi thói quen người tiêu dùng mà còn thay đổi phương thức quản trị, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Qua đó, đưa thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử trong nền kinh tế số dẫn đến sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới ở nhiều khu vực và ngành nghề khác nhau đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý.

Phát triển thương mại điện tử, tạo động lực phát triển kinh tế số ảnh 2Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tham dự hội nghị và ấn nút khai trương Cổng Thông tin điện tử kết nối với sàn thương mại điện tử trong nước. (Ảnh: Vietnam+)

Thêm vào đó, thương mại điện tử là lĩnh vực có sự giao thoa của nhiều hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như chức năng quản lý ngành của nhiều đơn vị quản lý nhà nước.

Do vậy, hệ thống pháp luật về thương mại điện tử không những phải theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử mà còn phải đảm bảo tính đồng bộ và nhất quán, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân ứng dụng thương mại điện tử hiệu quả, bền vững.

Để hạ tầng chính sách được hiệu quả đồng bộ, Quốc hội, Chính phủ hiện đang xây dựng, sửa đổi, bổ sung các dự án luật nhằm thống nhất hệ thống pháp luật cho thương mại điện tử.

Chẳng hạn như Dự án Luật Giao dịch điện tử, Dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định về quản lý thuế, Nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử...

Các dự án này hướng đến mục tiêu quản lý toàn diện và phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc kiểm soát hoạt động kinh doanh thương mại trên không gian mạng.

- Dự báo năm 2023 kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối diện với nhiều thách thức, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, xin Thứ trưởng cho biết Bộ Công Thương sẽ đưa ra giải pháp như thế nào để định hình thương mại điện tử cũng như hướng tới phát triển lành mạnh và bền vững?

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân: Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử, nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử lành mạnh bền vững, Bộ Công Thương tập trung triển khai 4 nhóm giải pháp.

Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, rà soát hoàn thiện hạ tầng chính sách pháp luật cho thương mại điện tử tập trung phổ biến, hướng dẫn thương nhân, tổ chức, cá nhân liên quan các quy định pháp luật về thương mại điện tử.

Mặt khác, tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ triển khai các giải pháp phát triển thương mại điện tử cho cộng đồng doanh nghiệp.

Cụ thể gồm các giải pháp về thanh toán (keypay, thẻ việt); trục hợp đồng điện tử; ngày mua sắm trực tuyến quốc gia Online Friday, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu (GoExport, ECVN, Vietnamexport); triển khai giải pháp nâng cao năng lực dự báo thương mại điện tử quốc gia.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm địa phương thông qua phương thức giao dịch trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ trong nước cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bộ cũng xây dựng và triển khai Đề án Xây dựng Hệ sinh thái chuyển đổi số cho doanh nghiệp ngành công thương - Hệ sinh thái này sẽ quy tụ các hệ thống, giải pháp kỹ thuật đã phát triển trong thời gian qua, trên cơ sở đó triển khai một cách đồng bộ những hoạt động, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong thời gian tới. Dự kiến Hệ sinh thái sẽ ra mắt vào Quý 3 năm 2023.

Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử và kinh tế số thông qua thúc đẩy đào tạo chính quy; phối hợp với các địa phương, các trường đại học trên cả nước và các đơn vị liên quan nhằm thúc đẩy tuyên truyền, phổ biến giao dục pháp luật về thương mại điện tử, cũng như ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số vào hoạt động của doanh nghiệp.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!./.

Bài 1: Đưa thương mại điện tử thành bệ phóng của nền kinh tế số

Bài 2: Mở rộng xu hướng bán hàng đa kênh trong thương mại điện tử

Bài 3: Đảm bảo giao dịch an toàn cho hoạt động thanh toán số

Bài 4: Những thách thức trong quản lý thuế thương mại điện tử

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục