Báo cáo toàn cầu của UNESCO: Tái định hình chính sách văn hóa

UNESCO phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố báo cáo toàn cầu của UNESCO năm 2018: “Tái định hình các chính sách văn hóa: Thúc đẩy sáng tạo vì sự phát triển."
Báo cáo toàn cầu của UNESCO: Tái định hình chính sách văn hóa ảnh 1Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên phát biểu tại lễ công bố. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Ngày 23/5, tại Hà Nội, Tổ chức Khoa học Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Công bố Báo cáo toàn cầu của UNESCO năm 2018 với chủ đề “Tái định hình các chính sách văn hóa: Thúc đẩy sáng tạo vì sự phát triển.”

Tham dự có đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO, một số bộ, ngành, Viện Văn hóa nghệ thuật, Trường Đại học Văn hóa, Học viện Báo chí và Truyền thông, trung tâm văn hóa nước ngoài.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho biết, Công ước về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa được UNESCO thông qua vào năm 2005 là một trong những nỗ lực nhằm thực hiện cam kết thúc đẩy sự đa dạng được nêu trong Hiến chương của UNESCO.

[Phú Yên đón bằng công nhận của UNESCO vinh danh nghệ thuật bài chòi]

Ngay sau khi Việt Nam chính thức phê chuẩn Công ước vào năm 2007, Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm đầu mối quốc gia tham gia Công ước.

Cũng theo Thứ trưởng Vương Duy Biên, với trách nhiệm của quốc gia thành viên, Việt Nam đã hoàn thiện đúng hạn Báo cáo quốc gia định kỳ 4 năm (2012-2015) về việc thực hiện Công ước theo quy định của UNESCO với sự hỗ trợ của Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) và Văn phòng UNESCO Hà Nội.

Trên cơ sở báo cáo của các quốc gia thành viên, UNESCO đã hoàn thiện Báo cáo toàn cầu 2018 nhằm đánh giá ảnh hưởng của hầu hết các chính sách và biện pháp được các quốc gia ban hành gần đây để thực hiện Công ước này.

Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội Michael Croft nhấn mạnh, Báo cáo toàn cầu UNESCO năm 2018 công bố ngày hôm nay như là bản đồ kho báu, chỉ dẫn trong lĩnh vực văn hóa mà mọi người cần tìm kiếm và là nơi cần đến để khai thác sức mạnh, năng lượng của ngành công nghiệp văn hóa nhằm phát triển bền vững.

Đại sứ Thụy Điển tại Hà Nội Pereric Hogberg cho rằng, việc công bố Báo cáo toàn cầu UNESCO năm 2018, xem xét việc thực hiện Công ước về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa được UNESCO thông qua vào năm 2005 ở tầm toàn cầu . Đây là dấu mốc thúc đẩy phát triển văn hóa, đồng thời là tài liệu được xem xét để đánh giá toàn cầu và giám sát tình trạng của các quốc gia trong việc thúc đẩy và bảo vệ sự đa dạng biểu đạt văn hóa.

Báo cáo toàn cầu UNESCO là công cụ giám sát việc thực hiện Công ước về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa được UNESCO thông qua vào năm 2005.

Đây là báo cáo lần thứ hai, ghi nhận các kết quả đã đạt được trong việc thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, chia sẻ các bài học kinh nghiệm và các thực hành tốt của các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa, cũng như phân tích các khó khăn, thách thức vẫn còn tồn tại kể từ khi báo cáo lần thứ nhất được công bố vào năm 2015.

Các báo cáo toàn cầu UNESCO về quá trình thực thi Công ước về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa được UNESCO thông qua vào năm 2005 được hoàn thiện dựa trên nhiều nguồn tư liệu, trong đó đặc biệt quan trọng là Báo cáo định kỳ bốn năm một lần từ các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.

Đây là một phần hoạt động nằm trong dự án thúc đẩy sự tự do thông qua phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa do Cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế Thụy Điển tài trợ.

Báo cáo toàn cầu của UNESCO: Tái định hình chính sách văn hóa ảnh 2Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội phát biểu tại lễ công bố. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Báo cáo toàn cầu UNESCO tiếp tục chứng minh rằng, Công ước về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa được UNESCO thông qua vào năm 2005 đã củng cố thêm cho việc xây dựng chính sách nhằm phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa.

Báo cáo cũng đã chỉ ra nhu cầu cần thiết rằng, các bên tham gia Công ước cần phải đưa ra những cơ chế đánh giá và giám sát để các bên có thể góp phần chia sẻ thông tin và bảo đảm tính minh bạch các điều khoản của Công ước. Những báo cáo tiến bộ và mang tính sáng tạo sẽ góp phần vào cơ sở bằng chứng đầu tiên cho việc thực hiện Công ước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục