Báo chí bị cuốn vào vòng xoáy mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc?

Chính quyền Donald Trump yêu cầu 4 cơ quan truyền thông Trung Quốc hoạt động tại Mỹ phải giảm 1/3 số lượng nhà báo có quốc tịch Trung Quốc làm việc tại đây.
Báo chí bị cuốn vào vòng xoáy mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc? ảnh 1(Nguồn: theguardian.pe.ca)

Reuters/Washington Post/BBC đưa tin căng thẳng truyền thông giữa Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ leo thang sau động thái ngày 2/3 của Chính quyền Donald Trump yêu cầu 4 cơ quan truyền thông Trung Quốc hoạt động tại Mỹ phải giảm 1/3 số lượng nhà báo có quốc tịch Trung Quốc làm việc tại đây.

Quyết định này được đưa ra sau thông báo ngày 18/2 của Bộ Ngoại giao Mỹ về quy định 5 cơ quan truyền thông Trung Quốc, vốn bị xem là chịu sự chỉ đạo của chính phủ trung ương, phải đăng ký là phái đoàn nước ngoài và cung cấp cụ thể họ tên nhân sự của mình.

Theo đó, bắt đầu từ 13/3, quy định được áp dụng với 4 trong số cơ quan truyền thông mà Mỹ liệt kê và phân chia theo tỷ lệ: hãng thông tấn Tân Hoa xã giới hạn ở mức 59 người, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc thuộc Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) 30 người, cơ quan chủ quản của tờ Trung Quốc Nhật báo duy trì 9 người và Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc được giữ 2 người.

Cơ quan phát hành của tờ Nhân dân Nhật báo không nằm trong diện đối tượng của quy định do không có công dân Trung Quốc làm việc tại chi nhánh của đơn vị này ở Mỹ.

Theo Washington Post, giới chức Mỹ cho rằng hiện chỉ có 75 nhà báo Mỹ đang làm việc tại Trung Quốc và động thái mới nhất nhằm mục đích thiết lập cái mà Ngoại trưởng Pompeo gọi là “sân chơi bình đẳng.”

Theo nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ, quyết định này không giới hạn nội dung mà các hãng tin có thể đăng tải ở Mỹ và bản thân các hãng này có quyền quyết định nhân sự nào bị cắt giảm.

[Cuộc chiến Mỹ-Trung Quốc định hình thương mại toàn cầu]

Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi hy vọng động thái này sẽ thúc đẩy Bắc Kinh thực hiện cách tiếp cận công bằng hơn đối với Mỹ và báo chí nước ngoài khác ở Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Trung Quốc ngay lập tức duy trì các cam kết quốc tế của mình về tôn trọng tự do ngôn luận, kể cả trong hoạt động báo chí."

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ thấy có sự gia tăng hành vi quấy rối và giám sát các nhà báo Mỹ và nhà báo nước ngoài khác khi tác nghiệp Trung Quốc.

Trên thực tế, Câu lạc bộ Nhà báo nước ngoài tại Trung Quốc (FCCT) cảnh báo rằng Trung Quốc đang sử dụng visa như một “vũ khí chống lại báo chí nước ngoài.”

Trong một thông cáo, FCCT khẳng định 82% trong số các nhà báo ở Trung Quốc từng là nạn nhân bị can thiệp, đối mặt với nguy cơ bạo lực hoặc quấy rối khi làm việc.

Năm 2019, Tổ chức Nhà báo Không Biên giới đã xếp Trung Quốc ở vị trí 177/180 quốc gia về mức độ tự do báo chí, sau khi đánh giá về mức độ độc lập của truyền thông, sự tôn trọng an toàn của nhà báo.

Năm cơ quan truyền thông Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi quy định mới của Mỹ là trọng tâm hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc.

Tân Hoa xã và Nhân dân Nhật báo có hàng trăm triệu độc giả ở Trung Quốc, với hàng loạt cơ quan truyền thông nhỏ hơn dẫn lại tin của 2 hãng này.

Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc và Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc đưa tin bằng tiếng Anh và chủ yếu nhằm vào độc giả nước ngoài.

Dù các nhà báo bị cắt giảm có thể không bị bắt buộc ngay lập tức rời Mỹ, nhưng visa của họ ràng buộc với công việc, khiến nhiều khả năng họ sẽ phải rời Mỹ ngay khi bị cắt giảm.

Theo phóng viên Zhaoyin Feng, làm việc tại bộ phận tiếng Trung của Đài BBC tại Washington, đây là một động thái Mỹ chưa từng áp dụng với bất kỳ nhà báo của bất cứ nước nào khác hiện đang làm việc tại quốc gia này.

BBC nhận định nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ cáo buộc Mỹ hủy hoại tự do báo chí.

Khi chính phủ Trung Quốc đối mặt với chỉ trích liên quan đến việc thu thẻ của 3 nhà báo Wall Street Journal (WSJ) hồi tháng trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đáp trả trên Twitter: “Tự do báo chí? Đừng quên Nhà trắng đã đối xử với CNN thế nào."

Lên án động thái mới nhất của Mỹ là hành vi áp bức chính trị đối với truyền thông Trung Quốc, ngày 3/3 Bắc Kinh tỏ ý sẵn sàng đáp trả quy định mới của Mỹ, điều bị cho là gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ song phương.

Trao đổi với báo giới ngày 4/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhấn mạnh: “Bắc Kinh kiên quyết phản đối các hành động mới nhất của Washington. Chúng tôi khẳng định Trung Quốc chưa bao giờ hạn chế số lượng các cơ quan truyền thông hoặc nhà báo Mỹ hoạt động tại Trung Quốc. Trung Quốc có quyền đưa ra phản ứng và thực hiện các biện pháp đáp trả.”

Ông nói thêm rằng thực tế Washington đang “trục xuất” các nhà báo Trung Quốc.

Washington Post dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Mục tiêu của chúng tôi là tạo dựng một môi trường nơi Bắc Kinh có những động thái đúng mực với các nhà báo.”

Trong khi đó, một quan chức chính quyền cho rằng sẽ rất đáng tiếc nếu Bắc Kinh trả đũa các nhà báo làm việc tại Trung Quốc, và rằng hành động đó có thể khiến giới đầu tư mất lòng tin ở quốc gia này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục