Bão số 9 suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp ở Bắc Biển Đông

Đến 7h ngày 22/12, bão số 9 đổi hướng di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó suy yếu thành 1 vùng áp thấp ở Bắc Biển Đông.
Bão số 9 suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp ở Bắc Biển Đông ảnh 1Hình ảnh vị trí và đường đi của bão số 9. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 20/12, vị trí tâm bão ở khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Tây quần đảo Hoàng Sa.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-120 km/giờ), giật cấp 13; bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên trong khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo, đến 7 giờ ngày 21/12, bão số 9 di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu dần. Vị trí tâm bão ở khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách Hong Kong (Trung Quốc) khoảng 220km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm trên biển đến 7 giờ ngày 21/12 (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 15,0 đến 21,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Đến 7 giờ ngày 22/12, bão số 9 đổi hướng di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Bắc Biển Đông.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông đến 7 giờ ngày 22/12, (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 112,0 đến 118,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu, thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão cấp 3.

[Bão số 9 di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc và suy yếu dần]

Trên biển, vùng biển phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông, khu vực quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao từ 5-7m; biển động dữ dội. Vùng biển ngoài khơi từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) trong ngày 20/12 gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; sóng biển cao từ 2-4m; biển động mạnh.

Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa, bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là các hồ đập xung yếu, đang thi công; chủ động vận hành đón lũ; đồng thời phải đảm bảo an toàn công trình và hạ du; tiêu nước đệm bảo vệ sản xuất.

Các đảo cần bố trí hợp lý các phương tiện, tàu thuyền tại nơi neo đậu, không để người ở lại trên các tàu, thuyền tại khu neo đậu và trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản để đảm bảo an toàn; chủ động triển khai phương án di dời, sơ tán người dân, đặc biệt là tại các nhà ở có nguy cơ cao xảy ra mất an toàn.

Các chuyên gia khuyến cáo ngư dân và các thuyền viên cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để nhận biết thời tiết. Khi nhận được tin bão, áp thấp nhiệt đới tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí cường độ hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới mà kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới.

Cần điều khiển tàu, thuyền tránh xa vùng bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng đi tới. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên phải hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới thì phải cho tàu thuyền chạy ngược gió, gió thổi lệch mũi trước mạn phải, góc lệch lớn hay nhỏ tùy thộc vào sức đẩy của tàu thuyền, tức là chạy về hướng Bắc-Đông Bắc. Nếu tàu, thuyền đang nằm ở phía bên trái hoặc ở ngay trên đường bão, áp thấp nhiệt đới đang di chuyển tới nên cho tàu, thuyền chạy xuôi gió, gió thổi vào đuôi tàu thuyền từ mạn phải, tức là chạy về hướng Nam-Tây Nam.

Cần chú ý rằng khi điều khiển tàu, thuyền tránh bão, áp thấp nhiệt đới trên biển phải luôn luôn giữ cho tàu, thuyền cách tâm bão, áp thấp nhiệt đới một khoảng tối thiểu từ 350 đến 400km-khoảng 200 hải lý.

Khi không thể tránh xa vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, áp thấp nhiệt đới mà lọt vào vùng gió bão, áp thấp nhiệt đới, người điều khiển phương tiện phải bình tĩnh, tập trung mọi khả năng đưa tàu, thuyền nhanh chóng thoát ra khỏi vùng bão, áp thấp nhiệt đới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục