Bầu cử tổng thống Mỹ sẽ quyết định quan hệ Nhật-Mỹ

Việc ông Trump tái cử có thể mang lại lợi ích cho Nhật Bản, nhưng về lâu dài, hậu quả là điều không tránh khỏi. Việc ông Trump tái cử chắc chắn sẽ làm giảm bớt cam kết và hiện diện của Mỹ ở châu Á.
Bầu cử tổng thống Mỹ sẽ quyết định quan hệ Nhật-Mỹ ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 26/4/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Theo trang mạng japantimes.co.jp, chỉ còn chưa đầy một năm nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ - ngày 3/11/2020. Sự chú ý của thế giới bắt đầu tập trung vào việc liệu Tổng thống đương nhiệm Donald Trump có tái cử nhiệm kỳ hai hay không, hay một trong 15 ứng cử viên đảng Dân chủ sẽ giành chiến thắng?

Kết quả bầu cử sẽ có những hàm ý sâu sắc, không chỉ đối với Mỹ mà còn cả thế giới, trong đó có Nhật Bản.

Các ứng cử viên

Cựu nghị sỹ bang Illinois, Joe Walsh và cựu Thống đốc bang Massachusetts, William Weld, đã đăng ký làm ứng cử viên của đảng Cộng hòa để thách thức Trump, nhưng Tổng thống đương nhiệm Donald Trump chắc chắn vẫn sẽ là người được đề cử của đảng.

Nếu có điều bất ngờ xảy ra loại Trump khỏi cuộc đua, các ứng viên tiềm năng bao gồm Phó Tổng thống Mike Pence, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley, cựu Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan và Thượng nghị sỹ bang Utah Mitt Romney.

Trong số 15 ứng cử viên của đảng Dân chủ, 6 người có khả năng nhất giành được sự đề cử của đảng bao gồm cựu Phó Tổng thống Joe Biden, cựu Thị trưởng New York Mike Bloomberg, Thị trưởng South Bend Pete Buttigieg, Thượng nghị sỹ bang Minnesota Amy Klobuchar, Thượng nghị sỹ bang Vermont Bernie Sanders and Thượng nghị sỹ Massachusetts Elizabeth Warren.

Một ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân chủ có thể xuất hiện vào năm tới sau cuộc họp kín ngày 3/2 ở Iowa, cuộc bỏ phiếu sơ bộ ngày 11/2 ở New Hampshire và Siêu thứ ba ngày 3/3.

Tuy nhiên, ứng cử viên của đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống vẫn chưa rõ ràng cho đến khi diễn ra Hội nghị Quốc gia Dân chủ ở Milwaukee, bang Wisconsin từ ngày 13-16/7/2020. Cơ hội chiến thắng của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 sẽ phụ thuộc vào các yếu tố sau: (1) ứng cử viên mà đảng Dân chủ chọn làm đại diện; (2) những thông điệp mà đảng Dân chủ sẽ truyền đạt tới cử tri; (3) những hành động mà Trump sẽ thực hiện; (4) kết quả của cuộc điều tra luận tội tổng thống; (5) hoạt động kinh tế; và (6) ảnh hưởng của chính sách đối ngoại.

Các yếu tố đáng chú ý

Thứ nhất, 6 ứng cử viên của đảng Dân chủ được liệt kê ở trên có thể được mô tả là những người Dân chủ ôn hòa (Biden, Bloomberg, Buttigieg, Klobuchar) hoặc những người Dân chủ cấp tiến (Sanders and Warren).

[Thỏa thuận thương mại Nhật-Mỹ và 'cúp vàng chính trị' của ông Trump]

Nhóm ứng cử viên Dân chủ ôn hòa lo sợ rằng nếu Sanders hay Warren giành được sự đề cử, đảng Dân chủ có thể thất bại trước Trump, giống như George McGovern thua Richard Nixon năm 1972 hay Walter Mondale thua Ronald Reagan năm 1984.

Nhóm ứng cử viên Dân chủ cấp tiến tin rằng với sự thay đổi cấu trúc cơ bản, nước Mỹ có thể giải quyết các vấn đề bất bình đẳng, nghèo đói và quyền lực.

Thứ hai, thông điệp của đảng Dân chủ đối với cử tri Mỹ sẽ xác định ứng cử viên nào trở thành người được đề cử. Chiến dịch tranh cử của Biden đã khẳng định rằng “Nước Mỹ là lý tưởng” và rằng “Chúng ta đang chiến đấu vì linh hồn của nước Mỹ” - điều đó ngụ ý về việc trở lại kỷ nguyên trước Trump khi Biden còn là Phó Tổng thống của Barack Obama.

Mặt khác, Sanders ủng hộ “Dự luật Quyền lợi Kinh tế thế kỷ 21” bao yồm ý tế cho tất cả mọi người, một Thỏa thuận Xanh Mới, đại học cho tất cả mọi người, nhà ở cho tất cả mọi người, đánh thuế người giàu và nơi làm việc dân chủ.

Thứ ba, đánh giá của cử tri về Tổng thống Trump sẽ bị ảnh hưởng bởi những hành động mà ông làm từ nay cho đến bầu cử. Ông sẽ công bố những chính sách mới nào để giành được sự ủng hộ của cử tri?

Cắt giảm thuế quan mới là gì? Có trợ cấp mới để giúp đỡ người nông dân hay không? Có thỏa thuận thương mại mới nào để tạo công ăn việc làm hay không? Những hạn chế đối với nhập cư để làm hài lòng cử tri là gì? Liệu sẽ có một “thỏa thuận” với Triều Tiên để cho phép ông tuyên bố chiến thắng và khao khát giành giải thưởng Nobel Hòa Bình hay không? Một cuộc xung đột với Iran mà ông tính toán có tập hợp quốc gia xung quanh ông hay không?

Thứ tư, tác động của tiến trình luận tội tổng thống đối với bầu cử là không chắc chắn. Mặc dù Hạ viện ngày 18/12/2019 đã bỏ phiếu áp đảo để luận tội (230/197 về lạm quyền và 229/198 về cản trở Quốc hội), việc Thượng viện khi nào và bỏ phiếu như thế nào vẫn chưa rõ.

Vấn đề này sẽ phát triển như thế nào và ảnh hưởng như nào đối với cử tri sẽ không chỉ tác động đến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng mà còn tác động đến việc đảng Dân chủ có duy trì được đa số trong Hạ viện cũng như đảng Cộng hòa có duy trì đa số trong Thượng viện hay không.

Thứ năm, nền kinh tế là điểm mạnh của Tổng thống Trump. Bất chấp cuộc chiến thương mại của ông với Trung Quốc và những dự báo của một số chuyên gia kinh tế về suy thoái sắp xảy ra, có sự điều chỉnh lớn hay ít nhất là một sự suy giảm, các dữ liệu kinh tế vĩ mô tiếp tục cho thấy hiệu quả mạnh mẽ trong tăng trưởng GDP, thất nghiệp và thị trường chứng khoán.

Khoảng cách lớn về giàu có và thu nhập vẫn tồn tại, nhóm người nghèo vẫn còn và tăng trưởng tiền lương còn yếu, nhưng dữ liệu kinh tế vào thời điểm này đang ủng hộ Trump. Nếu điều này thay đổi, chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến đánh giá của cử tri về hiệu suất công việc của tổng thống.

Cuối cùng, một yếu tố bầu cử rất khó đánh giá là tác động của những nỗ lực của những người không phải là người Mỹ can thiệp vào kết quả bầu cử.

Các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng chính phủ Nga đã can thiệp vào bầu cử tổng thống năm 2016 đem lại lợi thế cho Trump và gây bất lợi cho Hillary Clinton.

Theo một số nhà báo và học giả, sự can thiệp của Nga là yếu tố quyết định trong chiến thắng của Trump. Nếu vậy, có khả năng cao là những người không phải là người Mỹ (bao gồm cả người Nga) có thể cố gắng lặp lại điều này trong cuộc bầu cử năm 2020. Ở mức độ nào đó, việc Mỹ có thể ngăn chặn điều này là không chắc chắn.

Quan điểm của Nhật Bản

Theo một cuộc thăm dò dư luận do Viện Gallup và báo Yomiuri (Nhật Bản) thực hiện từ ngày 22-24/11/2019, 76% người Nhật Bản trả lời rằng “Việc Tổng thống Trump tái cử năm 2020 sẽ là điều bất lợi.” Điều này cũng phù hợp với kết quả thăm dò ở các nước đồng minh khác của Mỹ, khi Tổng thống Trump được các đồng minh coi là không đáng tin cậy, khó lường và theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trước tiên” một cách ích kỷ.

Tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo Nhật Bản công khai ủng hộ Tổng thống Trump tái cử. Họ tin rằng Tổng thống Trump đã không gây xáo trộn mối quan hệ Mỹ-Nhật như họ từng lo sợ trong tuyên bố tranh cử của ông hồi năm 2016. Và họ nghĩ rằng Thủ tướng Shinzo Abe - có thể ngoại trừ Tổng thống Nga Vladimir Putin - là lãnh đạo thế giới thành công trong việc gắn kết với Tổng thống Trump và giành được sự tin tưởng của ông.

Do đó, Thủ tướng Abe được ghi nhận là thành công trong việc “quản lý” Tổng thống Trump giống như Thủ tướng Yasuhiro Nakasone đã làm với Tổng thống Reagan đầu những năm 1980 của thế kỷ trước và Junichiro Koizumi làm với George W. Bush đầu những năm 2000.

Sự gắn kết này đòi hỏi kiên nhẫn, năng lượng và nỗ lực vô cùng lớn đối với Abe. Và dường như nó đã được đền đáp - ít nhất cho đến bây giờ. Mặc dù Tổng thống Trump áp đặt thuế quan không đáng kể đối với thép và nhôm xuất khẩu của Nhật Bản và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đàm phán một thỏa thuận song phương để cố gắng lấy lại những gì Mỹ đã mất, đặc biệt là trong thương mại nông nghiệp, bằng cách rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, nhưng những lời chỉ trích “cứng rắn” của Tổng thống Trump đối với Nhật Bản là lớn hơn nhiều so với hành động của ông.

Tất nhiên, điều này có thể thay đổi nếu Tổng thống Trump tiếp tục áp thuế đối với xuất khẩu ôtô của Nhật Bản sang Mỹ vì lý do an ninh quốc gia theo Điều 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962.

Và chính quyền Tổng thống Trump yêu cầu Nhật Bản tăng gấp 4 lần ngân sách, từ 2 tỷ USD lên 8 tỷ USD, cho lực lượng quân sự Mỹ đồn trú tại Nhật Bản. Nếu đây là một mục tiêu nghiêm túc của Mỹ, đi ngược lại đàm phán ban đầu, nó có khả năng làm thay đổi mối quan hệ an ninh Nhật-Mỹ.

Nhưng cho đến nay, sự tiếp diễn của mối quan hệ song phương này dưới thời Tổng thống Trump đã làm lu mờ những thay đổi, bất chấp những gì  ông Trump đe dọa trong chiến dịch tranh cử năm 2016.

Theo quan điểm của các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Thủ tướng Abe đã đầu tư rất nhiều vào mối quan hệ với Tổng thống Trump và mong muốn ông ở lại cương vị tổng thống thêm 4 năm nữa thay vì một tổng thống mới của đảng Dân chủ ít hoặc hầu như không có kết nối với Nhật Bản.

Khi cựu chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng Steve Bannon thăm Nhật Bản hồi tháng 3/2019, ông đã chuyển những thông điệp sau tới các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp Nhật Bản: (1) Tổng thống Trump sẽ gần như chắc chắn tái cử vào tháng 11/2020, vì thế Nhật Bản nên đối xử tốt với ông; (2) Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) nên thay đổi quy tắc của đảng để cho phép Abe nắm giữ thêm nhiệm kỳ 3 năm lần thứ tư; và (3) với ông Trump làm tổng thống cho đến năm 2024 và Abe làm thủ tướng cho đến năm 2024, Mỹ và Nhật Bản có thể hợp tác để kiềm chế Trung Quốc. Những thông điệp này được nhiều chính trị gia LDP ủng hộ.

Triển vọng

Bầu cử tổng thống Mỹ luôn là cuộc bầu cử khó dự đoán. Do đó, vào thời điểm này, chỉ một kẻ ngu ngốc mới dự đoán kết quả của cuộc bầu cử ngày 3/11/2020. Tuy nhiên, khả năng ông Trump giành chiến thắng có thể không cao như nhiều nhà lãnh đạo Nhật Bản dự đoán.

Ngoài ra, mặc dù trong ngắn hạn, việc Tổng thống Trump tái cử có thể mang lại lợi ích cho Nhật Bản, nhưng về lâu dài, hậu quả là điều không tránh khỏi. Việc Tổng thống Trump tái cử chắc chắn sẽ làm giảm bớt cam kết và hiện diện của Mỹ ở châu Á. Những hàm ý này đối với Nhật Bản là rất sâu sắc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục