Bị kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc, Canada lựa chọn như thế nào?

Một tổng hợp trên Courrier International bình luận rằng Canada đã làm sứt mẻ hình ảnh “mình đồng da sắt” của Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ số với Mỹ sau khi bắt giữ "nữ hoàng" Huawei.
Bị kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc, Canada lựa chọn như thế nào? ảnh 1Biểu tượng Huawei tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 8/7/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ban đầu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "chọc mạng sườn" Canada bằng một cuộc tấn công thương mại. Sau đó, Saudi Arabia trừng phạt Ottawa sau những chỉ trích của Canada về nhân quyền. Giờ thì đến lượt Trung Quốc công kích và gây sức ép đối với Ottawar khi bắt giữ 2 công dân Canada trong một động thái nhằm đáp trả vụ bắt giữ Giám đốc tài chính tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc.

Hãng tin AP bình luận Canada giờ bị kẹt giữa hai siêu cường để rồi hứng chịu đòn trả đũa trong khi đồng minh phương Nam của Ottawa lại chẳng hề giúp đỡ để thoát khỏi thế kẹt này.

"Canada chưa từng khi nào lẻ loi và đơn độc như lúc này," chuyên gia lịch sử Robert Bothwell bình luận. "Chúng tôi không có bất kỳ đồng minh nghiêm túc túc nào," chuyên gia này nói đồng thời cho rằng Trung Quốc đang "ra tay" với Canada trong khi Ottawa hiếm khi thực hiện các biện pháp trả đũa.

Trung Quốc hôm 10/12 đã bắt giữ 2 công dân Canada, ông Michael Kovrig, cựu quan chức ngoại giao ở Trung Quốc, và ông Michael Spavor, một doanh nhân từng sống ở miền Đông Bắc Trung Quốc gần biên giới với Triều Tiên vì nghi "tham gia các hoạt động gây hại cho an ninh quốc gia" của Trung Quốc, theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng.

Vụ bắt giữ mà giới chuyên gia coi là "làm con tin" này đã làm gia tăng sức ép lên Ottawa, vốn trước đó đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính Huawei, "đứa con cưng" của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ và viễn thông.

Lệnh bắt giữ bà Mạnh được đưa ra hôm 1/12 theo yêu cầu của Mỹ. Washington muốn bà Mạnh bị dẫn độ sang Mỹ để đối mặt với các cáo buộc cho rằng bà và Huawei đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran. Tòa án tỉnh British Columbia của Canada ngày 11/12 cho phép bà này tại ngoại với số tiền bảo lãnh 10 triệu CAD.

Vụ việc đã khơi mào một cuộc chiến ngoại giao giữa ba nước Mỹ-Canada-Trung Quốc, trong đó, Ottawa bị rơi vào thế kẹt, AP bình luận.

Cho tới thời điểm này, mối quan hệ giữa Canada và Trung Quốc, vốn được thúc đẩy bởi cố Thủ tướng Canada Pierre Trudeau, hầu như vẫn ở tình trạng tốt đẹp.

Thủ tướng đương nhiệm Justin Trudeau từng để cập khả năng hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại tự do song phương. Thế nhưng, tin tức về vụ 2 công dân Canada bị bắt giữ tuần qua đã đánh chìm viễn cảnh của thỏa thuận này. Lãnh đạo đảng Bảo thủ đối lập của Canada, ông Andrew Scheer chỉ trích Thủ tướng Trudeau đã không đủ cứng rắn để đối phó với Bắc Kinh.

"Tình hình hiện nay cho thấy biện pháp ngây thơ của Trudeau trong mối quan hệ với Trung Quốc không phát huy hiệu quả," ông Scheer nói.

AP ghi nhận đây là mối bất đồng quan hệ thứ hai với một cường quốc lớn trên thế giới mà Canada phải đối mặt trong năm 2018 này. Hồi tháng 6, trong một cuộc công kích chưa từng có tiền lệ đối với mối quan hệ đồng minh Ottawa-Washington, ông Trump và ông Trudeau cũng vướng vào tranh cãi sau khi ông Trump tuyên bố muốn sửa đổi Hiệp định thương mại Bắc Mỹ.

Còn tại vụ Huawei này, Trump lại như khiến Ottawa rơi vào thế bí khi tuyên bố có thể can thiệp vụ Huawei nếu điều này giúp ích cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tuyên bố này đi ngược lại với chính những gì mà quan chức Mỹ tuyên bố cũng như "đập" lại tuyên bố của giới chức Canada rằng vụ bà Mạnh không liên quan động cơ chính trị.

Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland buộc phải "phủ đầu" ông Trump khi tuyên bố "một điều hết sức rõ ràng" rằng bất kỳ nước bên ngoài nào yêu cầu dẫn độ cần đảm bảo "quá trình này không bị chính trị hóa."

Bà Freeland cũng chỉ trích Trump đã muốn hành động theo cách riêng của mình và bỏ mặc lợi ích của các đồng minh truyền thống.

[Chuyên gia Trung Quốc khẳng định việc trừng phạt không hiệu quả]

Lâu nay, Washington luôn chìa tay bảo vệ Ottawa mỗi khi Canada bị công kích và các nước khác đều hiểu rằng Canada cũng hỗ trợ Mỹ như thế nào. Nhưng giờ thì không.

Minh chứng khác là hồi tháng Tám, chính quyền Saudi Arabia đã trục xuất đại sứ Canada ở vương quốc này và rút đại sứ của Saudi ra khỏi Canada sau khi Bộ Ngoại giao Canada bênh vực một nhà hoạt động Saudi bị bắt giữ. Thế mà không một nước nào, kể cả Mỹ, đã công khai lên tiếng bênh vực Canada.

Giờ đây nguy cơ mà Ottawa phải đối mặt còn nguy hiểm hơn trước khi vướng vào tranh cãi với Bắc Kinh, một đối tác thương mại ngày càng quan trọng đối với Ottawa để thúc đẩy xuất khẩu vào khu vực châu Á trong bối cảnh thương mại với Mỹ bị đe dọa bởi các biện pháp thuế quan của ông Trump.

"Ngay từ thời kỳ đầu khi ông Trump lên nắm quyền, đã xuất hiện ý kiến cho rằng Trung Quốc có thể thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại quan trọng của Canada, song đó là ý tưởng điên rồ," giáo sư về lịch sử Bothwell tại Đại học Toronto bình luận.

"Với bất kỳ quốc gia nhỏ hơn nào, quan hệ với Trung Quốc thực sự là điều không tưởng," vị giáo sư giải thích.

David Mulroney, cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc, cho rằng không chỉ Mỹ mà các nước phương Tây khác cần lên tiếng bảo vệ Canada. "Sẽ là cách hành xử đẹp nếu các nước như Mỹ, Anh, Australia và Pháp, dù công khai hay kín tiếng, cũng nên có lời nói đỡ cho chúng tôi và để Trung Quốc hiểu rằng cách hành xử của họ đã hủy hoại hình ảnh của họ như thế nào," cựu quan chức ngoại giao chia sẻ.

Christopher Sands thuộc Trường Nghiên cứu quan hệ quốc tế cao cấp ở Washington cho rằng thế giới đã hiểu được cách ông Trump đối xử với Canada như thế nào trong các đàm phán thương mại và cách Mỹ giữ im lặng như thế nào khi Saudi Arabia phản ứng thái quá đối với quan điểm nhân quyền của Ottawa. Mọi khi, Mỹ thường đánh tiếng, thường là kín đáo, với các đồng minh của mình để "dẹp" những tranh cãi vụn vặt và chơi đẹp (với Canada). Nhưng điều khiến tình hình hiện nay tồi tệ hơn là Trung Quốc lại công kích Canada không phải vì Canada khơi mào trước mà vì Canada hành động theo yêu cầu của Mỹ. Ông Sands bình luận, thế nên, "sự hủy hoại mối quan hệ khi Mỹ im lặng như vậy với đồng minh Canada thực sự khủng khiếp."

Về vấn đề này, bình luận trên đài Sputnik đêm 15/12, tiến sỹ Denis Rancourt cho rằng việc Canada bắt giữ bà Mạnh theo mong muốn và lợi ích của Mỹ là hành động đánh mất chủ quyền của Ottawa.

Theo thỏa thuận lãnh sự giữa Trung Quốc và Canada, nếu Canada bắt giữ công dân Trung Quốc, Ottawa cần phải thông báo ngay cho Bắc Kinh. Vị tiến sỹnói: "Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng trong trường hợp này việc đó đã không xảy ra."

Theo phân tích của tiến sỹ Rancourt, Canada trên thực tế là một vệ tinh của Mỹ, ngày càng hành động ít được coi trọng dưới góc độ pháp luật. Họ xa rời các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhà nước pháp quyền và thậm chí là khái niệm về một nước có chủ quyền. Mỹ ban hành luật lệ trên cơ sở họ có quyền hợp pháp truy tố các quốc gia khác về những hành động nào đó trên thế giới. Thật không may, bằng hành vi của mình trên trường quốc tế, Hoa Kỳ đã bỏ qua khái niệm chủ quyền quốc gia.

Một tổng hợp trên Courrier International bình luận rằng Canada đã làm sứt mẻ hình ảnh “mình đồng da sắt” của Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ số với Mỹ sau khi bắt giữ "nữ hoàng" Huawei. Trong khi đó, báo Le Devoir và La Presse cùng đặt câu hỏi: Kẹt giữa hai siêu cường, Canada chọn lựa sao đây?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục