Biến thể Omicron lan nhanh và mạnh: Cuộc tấn công của 'cơn sóng thần'

Người đứng đầu WHO nêu rõ sẽ là sai lầm khi cho rằng Omicron là biến thể nhẹ, đây vẫn là một biến thể nguy hiểm, đặc biệt đối với những người chưa được tiêm chủng.
Biến thể Omicron lan nhanh và mạnh: Cuộc tấn công của 'cơn sóng thần' ảnh 1Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Cremona, Italy ngày 11/1/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thế giới đang chứng kiến tình trạng số ca mắc mới COVID-19 do biến thể Omicron lan rất nhanh và mạnh như cơn sóng thần.

Điều đó đang làm hệ thống y tế bị quá tải trên quy mô toàn cầu. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã một lần nữa đưa ra khuyến cáo khi biến thể Omicron tiếp tục lây lan chóng mặt khiến trong tuần qua, số ca mắc mới trên toàn cầu tăng 35% so với tuần trước đó, lên hơn 20,24 triệu ca.

Đáng chú ý, thế giới lần đầu tiên ghi nhận gần 3,4 triệu ca mắc mới trong 1 ngày (13/1). Số trường hợp nhập viện tăng đột biến và nhiều hệ thống y tế bị quá tải đã dẫn tới số bệnh nhân không qua khỏi tăng 14%, với hơn 48.670 trường hợp trong 7 ngày qua.

[WHO cân nhắc bổ sung danh mục thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19]

Tại châu Âu, số ca nhiễm mới Omicron có ngày lên tới 1,3 triệu ca và theo dự báo với tốc độ hiện nay, có tới một nửa dân số châu Âu sẽ nhiễm biến thể này trong 6 đến 8 tuần tới.

Biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh khiến số bệnh nhân phải nhập viện tại châu Âu cũng tăng nhanh.

Đơn cử như tại Pháp, có ngày gần 800 bệnh nhân nhiễm Omicron phải nhập viện điều trị, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ tháng 4/2021.

Tại Bỉ,  Bộ trưởng Y tế nước này Frank Vandenbroucke cảnh báo làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron có thể gây ra những bất ổn cho xã hội Bỉ, vì sự gia tăng số ca nhiễm mới cũng kéo theo tỷ lệ nhập viện gia tăng, gây nguy hiểm cho hệ thống y tế và xã hội.

Thậm chí, theo một nghiên cứu do các nhà khoa học Anh tiến hành ngày 14/1, Omicron dường như khiến trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh phải nhập viện cao hơn so với các biến thể trước đó.

Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhập viện của trẻ nhỏ mắc COVID-19, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, tăng lên trong 4 tuần qua.

Tại Mỹ, hơn 98,3% số ca mắc mới là do biến thể Omicron, có ngày ghi nhận tới 1,4 triệu ca, trong khi số ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày tăng cao, với xấp xỉ 2.000 ca. Số ca nhập viện vì COVID-19 ở Mỹ liên tục ghi nhận mức cao kỷ lục trong tuần này.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi ngày trung bình 19.800 người trên khắp nước Mỹ nhập viện vì nhiễm Omicron, tăng 33% so với tuần trước đó.

Sự gia tăng này khiến các hệ thống y tế quá tải và buộc một số bang phải hoãn nhiều lịch phẫu thuật không khẩn cấp.

Nhà Trắng đã huy động thêm 1.000 bác sỹ quân y tới để trợ giúp các  bệnh viện đang quá tải tại những bang Michigan, New Jersey, New Mexico, New York, Ohio và Rhode Island.

Không chỉ Mỹ và châu Âu với nhiều “kỷ lục buồn” trong tuần qua, hàng loạt quốc gia châu Á cũng đang phải “gồng mình” đối phó với biến thể Omicron.

Sau 4 tháng gần như khống chế được dịch bệnh, số ca mắc mới tại Nhật Bản lại vượt ngưỡng 20.000 ca/ngày và ngày 15/1 đã vượt 25.000 ca. Số ca mắc mới trung bình ở thủ đô Tokyo trong tuần cũng tăng gấp gần 6 lần so với một tuần trước đó.

Biến thể Omicron lan nhanh và mạnh: Cuộc tấn công của 'cơn sóng thần' ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi đi trên đường phố thủ đô Tokyo ngày 15/1/2022. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Philippines cách đây 2 tuần báo cáo chưa đến 200 ca/ngày, thì ngày 15/1 ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay là 39.004.

Tại Ấn Độ, biến thể Omicron đang lây lan với tốc độ chưa từng thấy với 27 bang trên toàn quốc đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể này, khiến ca mắc mới COVID-19 tăng gấp 20 lần trong vòng một tháng qua.

Trong khi đó, Australia lần đầu tiên ghi nhận hơn 147.000 ca mắc mới trong ngày. Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện ngày càng tăng cũng khiến Australia chứng kiến số ca tử vong do COVID-19 theo ngày ở mức cao nhất trong hơn 15 tháng qua.

Việc thúc đẩy tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã trở thành ưu tiên hàng đầu để giảm gánh nặng đối với dịch vụ y tế. Italy đã ban hành quy định tiêm vaccine bắt buộc đối với những người trên 50 tuổi.

Tại Áo, những người chưa tiêm phòng bị cấm tham gia hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống, bao gồm cả những khu vực mua sắm không thiết yếu, khách sạn và nhà hàng. Nước này cũng đang thúc đẩy kế hoạch tiêm chủng bắt buộc cho tất cả người dân ngay từ tháng tới.

Tương tự tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, chính phủ của Thủ tướng  Olaf Scholz đang thực hiện chiến lược “khóa chặt những người từ chối tiêm chủng,” không cho phép họ lui tới rạp hát hay tham gia các hoạt động giải trí khác.

Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach cho rằng thật "ngây thơ" khi nghĩ rằng biến thể Omicron sẽ là dấu chấm hết cho đại dịch.

Ông cảnh báo các biến thể mới của virus gây đại dịch COVID-19 vẫn có thể xuất hiện, đồng thời khẳng định tiêm vaccine bắt buộc là cách duy nhất để thoát khỏi đại dịch.

Tại Tây Ban Nha, Bộ Y tế nước này thông báo mở rộng đối tượng tiêm mũi vaccine tăng cường, đồng thời sẽ tiêm mũi thứ tư vacccine ngừa COVID-19 cho nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương. Thời gian tiêm giữa mũi hai và mũi ba cũng được quy định là 5 tháng, tức rút ngắn 1 tháng so với quy định trước.

Còn tại Pháp, chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron đang tăng cường hạn chế đối với những người không tiêm chủng, thúc đẩy quốc hội nhanh chóng thông qua quy định hộ chiếu vaccine để vào các quán bar, nhà hàng hay thậm chí là đi tàu.

Theo Tổng thống Pháp, tiêm vaccine không chỉ là quyền, mà còn là nghĩa vụ. Ông cũng khẳng định chiến lược chống dịch COVID-19 của Pháp từ nay sẽ tập trung vào những người từ chối tiêm vaccine.

Biến thể Omicron lan nhanh và mạnh: Cuộc tấn công của 'cơn sóng thần' ảnh 3Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Fort-de-France thuộc đảo Martinique của Pháp ngày 1/12/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mỹ đã siết chặt quy định tiêm vaccine trong bối cảnh 40 bang ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 lên tới ngưỡng đỉnh.

Quy định của liên bang yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất hay doanh nghiệp có ít nhất 100 nhân viên phải tiêm vaccine chính thức có hiệu lực từ ngày 10/1 và những ai không muốn tiêm vaccine phải đưa ra kết quả xét nghiệm hằng tuần.

Đây là lý do khiến từng hàng người xếp thành những hàng dài quanh khắp các dãy phố ở Mỹ, chờ đợi để được xét nghiệm COVID-19, trong khi các bộ xét nghiệm COVID-19 tại nhà cũng "cháy hàng" tại khắp các hiệu thuốc.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng thực tế cho thấy cuộc tấn công của “cơn sóng thần” biến thể Omicron đang làm gia tăng số ca nhập viện và tử vong trên toàn cầu, đe dọa “nhấn chìm” hệ thống y tế ở nhiều nước.

Người đứng đầu WHO nêu rõ sẽ là sai lầm khi cho rằng Omicron là biến thể nhẹ, đây vẫn là một biến thể nguy hiểm, đặc biệt đối với những người chưa được tiêm chủng.

Trong bối cảnh hơn 90 quốc gia trên thế giới vẫn chưa đạt được mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 40% dân số, và hơn 85% người dân ở châu Phi vẫn chưa được tiêm một mũi vaccine nào, thì cộng đồng quốc tế “không được phép buông lỏng kiểm soát hoặc đầu hàng trước loại virus này”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục