Bình Dương: Nhiều sáng kiến hiệu quả trong tìm ca mắc mới HIV/AIDS

Bình Dương trong số các tỉnh trọng điểm về HIV/AIDS khu vực phía Nam. Hiện nay, số ca nhiễm HIV mới ở Bình Dương cũng có xu hướng trẻ hóa.
Công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS được xem là cốt lõi được đẩy mạnh trong các khu công nghiệp. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS được xem là cốt lõi được đẩy mạnh trong các khu công nghiệp. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Theo thống kê Cục Phòng, Chống HIV/AIDS, Bình Dương là tỉnh có tỷ lệ phát hiện ca nhiễm mới hàng năm rất cao trong Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC) do Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US.CDC) tài trợ.

Tính từ tháng 10/2022 đến tháng 3/2023, Bình Dương phát hiện 40% số ca HIV mới cho toàn Dự án EPIC và chiếm khoảng 10% số ca nhiễm mới của toàn quốc. Các hoạt động duy trì chăm sóc, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (Prep) đạt chỉ tiêu, thậm chí vượt mức Trung ương giao.

Để hiểu rõ hơn về công tác phòng chống HIV/AIDS của Bình Dương và những kết quả nổi trội đó, bác sỹ chuyên khoa 1 Vương Thế Linh, Trưởng Khoa HIV (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương) đã có những chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này.

Tỉnh trọng điểm về HIV/AIDS khu vực phía Nam

- Xin ông cho biết tình hình dịch HIV/AIDS tại tỉnh Bình Dương trong những năm gần đây như thế nào?

Bác sỹ Vương Thế Linh: Bình Dương là tỉnh miền Đông Nam Bộ, khu kinh tế quan trọng của miền Đông, tỷ lệ dân số 2,7 triệu dân, phân bố 80% ở thành thị.

Bình Dương với hơn 28 khu công nghiệp và được xác định là một tỉnh trọng điểm về HIV/AIDS khu vực phía Nam. Dân số tại Bình Dương ước tính khoảng gần 2,5 triệu người, trong đó 80% là dân nhập cư.

[Kiên Giang: Bước chuyển mình khi bệnh nhân HIV điều trị trong ngày]

Tính đến 30/6/2023, số người nhiễm HIV còn sống quản lý được ở Bình Dương là 6.401 người, trong đó 65% là người nhiễm từ 20-39 tuổi.

Bình Dương có số ca nhiễm HIV mới tăng cao. Riêng năm 2022 đã thêm 835 ca nhiễm mới, tăng 25% so với 2021, trong đó, 64% lây qua quan hệ tình dục đồng giới. Những trường hợp này có thể họ bị nhiễm ở địa phương khác, nhưng chuyển tới Bình Dương làm việc và khi đó mới khai báo nhiễm HIV.

Về công tác xét nghiệm ca nhiễm mới hàng năm, trong năm 2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Dương làm sàng lọc 322 ca nguy cơ cao thì phát hiện 12 ca dương tính. Trong tháng 5, 6 năm 2023, tỉnh sàng lọc 56 có 1 ca dương tải lượng virus cao. Như vậy, trong hai năm qua, CDC Bình Dương đã sàng lọc 387 ca, có 13 ca dương tính mới, chỉ có 10 ca tải lượng virus trên 1.000, chiếm tỷ lệ 2,5%.

Bình Dương: Nhiều sáng kiến hiệu quả trong tìm ca mắc mới HIV/AIDS ảnh 1Bác sỹ Vương Thế Linh, Trưởng Khoa HIV - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

- Ông có thể phân tích, tại sao số ca nhiễm mới HIV/AIDS ở tỉnh Bình Dương tăng nhanh trong những năm gần đây?

Bác sỹ Vương Thế Linh: Số ca nhiễm mới tăng nhanh tại Bình Dương trong những năm gần đây chủ yếu do tỉnh có nhiều khu công nghiệp, với sự biến động dân cư lớn. Nếu như trước đây, số ca nhiễm HIV mới được phát hiện qua các nguyên nhân như ma túy, mại dâm, thì nay, chủ yếu qua đường tình dục, tập trung lớn trong nhóm nam quan hệ đồng giới.

Theo thống kê chưa đầy đủ, ước tính người nam quan hệ đồng giới tại tỉnh Bình Dương vào khoảng 15.000 người (độ tuổi 15-19 chiếm 10%; 20-29 tuổi chiếm 55% và > 30 tuổi chiếm 35%).

Trước đây, tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm này chỉ khoảng 1-2% thì nay đã tăng khoảng 10%. Nếu như năm 2014, tỷ lệ lây nhiễm qua tình dục đồng giới chỉ khoảng 6,2% thì con số này tăng mạnh vào năm 2021 với 80% số ca phát hiện qua giám sát phát hiện HIV tại Bình Dương. Đặc biệt, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, tỉnh cũng đã ghi nhận 67% số ca nhiễm HIV là nhóm MSM.

Với đặc thù tỉnh có 30 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp, số lượng công nhân trên địa bàn rất lớn. Số lao động ở khu vực tư nhân khoảng 1,3 triệu người - là lao động nhập cư, tỷ lệ nam cao hơn nữ. Đáng lưu ý, số nhiễm HIV là công nhân chiếm 70-80% là lao động ở các công ty.

Ngoài 30 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp, Bình Dương còn có 8 trường đại học, cao đẳng với khoảng 80.000 sinh viên, nên có khá nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống HIV.

Nhiều sáng kiến trong tìm ca mắc mới

- Hiện nay công tác đáp ứng điều trị trong phòng chống HIV/AIDS của tỉnh đã đạt được những kết quả như thế nào thưa ông?

Bác sỹ Vương Thế Linh: Trong hơn nửa năm đầu 2023, tỉnh Bình Dương đã đạt được những con số ấn tượng trong phòng, chống HIV với chỉ tiêu điều trị với ca nhiễm mới đang đạt 97,8%

Số ca mới phát hiện đưa vào điều trị ARV đạt 65% (557 ca/850 ca). Tỉnh Bình Dương có 98-99% ca điều trị bằng thuốc ARV (thuốc kháng HIV) có bảo hiểm y tế. Toàn tỉnh hiện đạt chỉ tiêu điều trị ARV cho 5.025 ca, đạt 111% so với chỉ tiêu là 4.520 ca đặt ra trong năm 2023.

Tỷ lệ đưa đối tượng nguy cơ cao vào điều trị Prep cũng tăng rất cao. Tỷ lệ điều trị Prep lần 1 mới trong hơn 7 tháng đạt 2.193 ca, chiếm tỷ lệ 149,9% so với chỉ tiêu đặt ra là 1.648 ca. Số ca điều trị Prep mới đặt ra chỉ tiêu năm 2023 là 800 ca nhưng đến nay mới qua nửa năm con số này đã lên tới 923 ca, đạt 122%.

Hiện Bình Dương đang có 8 phòng khám, và dự kiến có thêm 2 phòng khám nữa đi vào hoạt động từ tháng 8 tới. Song song đó, CDC triển khai điều trị cho 2 trại giam trực thuộc Bộ Công an, với số lượng phạm nhân lớn, có tỷ lệ nhiễm HIV cao.

- Như ông đã phân tích, công tác điều trị trong thời gian gần đây tỉnh Bình Dương đạt được nhiều kết quả vượt so với mục tiêu đề ra. Có được sự hiệu quả đó là do triển khai những biện pháp như thế nào?

Bác sỹ Vương Thế Linh: Để có được những thành tựu này, CDC Bình Dương đã duy trì hoạt động giao ban để đánh giá từng phòng khám, xử lý số liệu rất sát sao. Từ những con số, CDC tỉnh sẽ nhận ra các vấn đề cần phải hỗ trợ các phòng khám trong tìm ca mới, kết nối điều trị dự phòng.

Tỉnh có nhiều sáng kiến trong tìm ca mắc mới như luôn duy trì mối liên hệ với khách hàng, kể cả các khách hàng cũ, sẵn sàng mời khách hàng tham gia làm cộng tác viên tìm ca.

Đặc biệt, CDC tỉnh đẩy mạnh truyền thông tạo cầu trên các ứng dụng mạng xã hội Khuyến khích các cộng tác viên tham gia như ứng tiền duy trì gói Blue X, Zalo Business; thanh toán nhanh nhất gói tìm ca…; hỗ trợ trực tiếp/đưa khách hàng đi xét nghiệm khẳng định và điều trị ARV hoặc PrEP.

Các hoạt động đáp ứng y tế công cộng tại Bình Dương được cung cấp gần như toàn diện, bảo đảm bí mật tuyệt đối cho người sử dụng dịch vụ. Các dịch vụ gì của Dự án EPIC có thì Bình Dương triển khai. Chẳng hạn như việc tìm ca, tư vấn xét nghiệm HIV tại các cơ sở y tế; cấp phát sinh phẩm tự xét nghiệm HIV qua các kênh: VCT/OPC, trang web, nhà thuốc...

Truyền thông là cốt lõi

- Để tăng cường và duy trì hiệu quả của công tác phòng chống HIV/AIDS của tỉnh trong thời gian tới, những chiến lược được CDC Bình Dương đưa ra là gì thưa ông?

Bác sỹ Vương Thế Linh: Để ứng phó với tỷ lệ lây nhiễm HIV mới gia tăng nhanh, CDC tỉnh Bình Dương đã có nhiều hoạt động triển khai. Với sự hỗ trợ của dự án EPIC, trong hơn 10 năm qua, Bình Dương là một trong những tỉnh nhận hỗ trợ kinh phí cao nhất trong triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

CDC Bình Dương xác định truyền thông là cốt lõi nên đẩy mạnh hoạt động này trong các khu công nghiệp. Nhân viên y tế sẵn sàng tiếp cận bất cứ lúc nào công nhân có thời gian và đã tổ chức được nhiều buổi truyền thông nhóm nhỏ tại các khu nhà trọ của 5 công ty lớn với gần 300 công nhân tham gia.

Bình Dương: Nhiều sáng kiến hiệu quả trong tìm ca mắc mới HIV/AIDS ảnh 2Truyền thông cho các công nhân về phòng chống HIV/AIDS tại Công ty TNHH Tessellation tại tỉnh Bình Dương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài ra công tác truyền thông tới nhiều nhóm đối tượng đích được triển khai như dán poster, cấp sinh phẩm tự xét nghiệm, phát bao cao su, truyền thông nhóm lớn tại Khu công nghiệp VSIP I và tổ chức buổi các nói chuyện với cán bộ chủ chốt của khu công nghiệp để họ hiểu tầm quan trọng của việc phòng, chống HIV tại chính công ty mình để triển khai. Những đơn vị này sẽ đồng hành với CDC trong cung cấp các dịch vụ về điều trị điều trị dự phòng Prep, điều trị ARV.

6 tháng qua, CDC tỉnh đã triển khai được 25 buổi truyền thông nhóm nhỏ tại khu trọ công nhân, các khu công nghiệp. Mỗi buổi truyền thông kéo dài khoảng 90 phút với nhóm 20-30 người, lồng ghép các kiến thức chuẩn về phòng, chống HIV, cung cấp sinh phẩm xét nghiệm cho công nhân.

Thực tế hiện nay, ca nhiễm HIV mới hàng năm ngoại tỉnh chiếm tỷ lệ 80%, số ca nhiễm là người ở Bình Dương chỉ 20%. Do đó, để quản lý tốt hơn nữa ca nhiễm HIV, cần phải khống chế bệnh nhân di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác mà không cung cấp thông tin điều trị.

Tới đây, chúng tôi sẽ kết hợp với Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Y Dược Thành phố Chí Minh làm một cuộc khảo sát tổng thể xem tỷ lệ nhóm MSM nhiễm HIV chính xác đến đâu để triển khai phương pháp điều trị.

Xin trân trọng cảm ơn bác sỹ Vương Thế Linh!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục