BioNTech sẽ cung cấp 50 triệu kim tiêm đặc biệt cho nước có nhu cầu

BioNTech nhấn mạnh công ty này đã mua loại kim tiêm LDS sử dụng cho nhiều loại ống bơm và sẵn sàng cung cấp kim tiêm LDS không lấy lãi cho các nước trên thế giới.
BioNTech sẽ cung cấp 50 triệu kim tiêm đặc biệt cho nước có nhu cầu ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 của Pfizer-BioNTech cho người dân tại Paris, Pháp. (Ảnh: THX/TTXVN)

Công ty BioNTech của Đức ngày 22/1 thông báo sẽ cung cấp 50 triệu kim tiêm đặc biệt cho các nước có nhu cầu để có thể rút thêm một liều (liều thứ sáu) ở ống đựng vắcxin COVID-19 trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng của châu Âu đang gặp trở ngại do tình trạng khan hiếm tạm thời nguồn cung.

Các nước Liên minh châu Âu đang gồng mình để đảm bảo nguồn cung kim tiêm khoảng chết thấp (LDS) đặc biệt cần thiết để loại bỏ việc hao tổn vắcxin khi tiêm.

Trong một thông báo, BioNTech nhấn mạnh công ty này đã mua loại kim tiêm LDS sử dụng cho nhiều loại ống bơm và sẵn sàng cung cấp kim tiêm LDS không lấy lãi cho các nước trên thế giới.

Vắcxin BioNTech/Pfizer ban đầu được bán ở EU theo ống năm liều, song trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, các nhà quản lý dược phẩm châu Âu đã phê chuẩn việc chiết xuất sáu liều cho một ống.

Quyết định này đã nâng sản lượng vắcxin mục tiêu đạt 2 tỷ liều từ mức 1,3 tỷ liều trong năm nay. Tuy nhiên, một số nước châu Âu vẫn chưa thể tận dụng được lượng vắcxin dư thừa do thiếu bơm kim chuẩn.

BioNTech đã thảo luận với Ủy ban châu Âu và các nước thành viên EU nhằm hỗ trợ tốt nhất kế hoạch tiêm chủng vắcxin, trong đó có việc hỗ trợ đảm bảo nguồn bơm kim tiêm LDS. BioNTech đang tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất để cung cấp thêm loại bơm kim tiêm đặc biệt này.

Liên quan vắcxin AstraZeneca dự kiến cung cấp cho EU, công ty AstraZeneca ngày 22/1 cho biết việc bàn giao cho EU có thể không đạt số lượng mục tiêu do gặp trục trặc trong quá trình sản xuất. Công ty này cho biết lượng vắcxin bàn giao trước mắt sẽ thấp hơn do sản lượng giảm tại một điểm sản xuất trong chuỗi cung ứng ở châu Âu.

Dự kiến, EU sẽ cấp phép cho loại vắcxin được AstraZeneca và Đại học Oxford hợp tác nghiên cứu phát triển vào cuối tháng Một này. Sau đó, công ty sẽ cung cấp hàng chục triệu liều vào tháng Hai và tháng Ba cho EU.

[Dịch COVID-19: EU gấp rút thực hiện tận dụng vắcxin để tăng số liều]

Cùng ngày 22/1, Chính phủ Đức đã lần đầu tiên đưa trên 20 quốc gia vào danh sách các nước có nguy cơ cao đối với virus gây đại dịch COVID-19, theo đó sẽ phải áp dụng những biện pháp siết chặt với các trường hợp nhập cảnh từ những nước này.

Cho tới nay, Đức mới chỉ phân biệt hai nhóm, gồm các nước khu vực có biến thể mới và các nước/khu vực có nguy cơ "bình thường." Tuy nhiên, với quyết định mới sẽ có ba nhóm, gồm các nước/khu vực có nguy cơ bình thường (có tỷ lệ nhiễm mới vượt 50 ca/100.000 dân trong 7 ngày); các nước/khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao (có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn Đức); và các nước/khu vực xuất hiện biến thể mới (hiện có Anh, Ireland, Nam Phi và Brazil).

Những người nhập cảnh Đức thuộc nhóm một (nhóm nguy cơ bình thường) sẽ phải thực hiện xét nghiệm chậm nhất 48 giờ sau khi nhập cảnh Đức. Ngoài ra cần phải cách ly 10 ngày, trong trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính thứ hai từ ngày thứ năm thì có thể kết thúc cách ly sớm.

Tuy nhiên, những người nhập cảnh Đức từ nhóm hai và nhóm ba nêu trên cần phải thực hiện xét nghiệm trong vòng nhiều nhất 48 giờ trước khi nhập cảnh Đức và không được áp dụng ngoại lệ trong quá trình cách ly.

Về tình hình dịch bệnh tại Đức, giới chức y tế bang Hessen ngày 22/1 thông báo đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới phát hiện ở Brazil vốn được cho có tốc độ lây lan rất nhanh. Bệnh nhân vừa trở về Đức từ Brazil và đã đi xét nghiệm sàng lọc. Kết quả cho thấy người này đã nhiễm loại biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện ở Brazil.

Theo RKI, biến thể phát hiện ở Brazil cũng tương tự như biến thể ở Nam Phi có tính lây nhiễm cao hơn các virus phát hiện trước đó. Như vậy đến nay ba loại biến thể virus phát hiện Nam Phi, Anh và Brazil đều đã xuất hiện ở Đức.

Nhà virus học thuộc bệnh viện Charité ở Berlin, Giáo sư Christian Drosten, cảnh báo về nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ ba xảy ra vào mùa Hè tới. Theo ông, sẽ không chỉ có 20.000-30.000 ca nhiễm mới mà trường hợp xấu nhất con số lây nhiễm hằng ngày có thể lên tới 100.000 người.

Ông cảnh báo, nguy cơ này có thể xảy ra nếu Đức nới lỏng quá sớm các biện pháp hạn chế. Cảnh báo này trước ngược với dự dự đoán của nhiều chuyên gia cho rằng dịch bệnh có thể lắng dịu hơn vào mùa Hè./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục