Năm 2017 ghi dấu thành quả ấn tượng của Italy trong nỗ lực kiểm soát cuộc khủng hoảng người di cư được xem là nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2.
Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni đã gọi năm 2017 là "thời điểm quan trọng" trong tiến trình được xem như "quá độ lịch sử" của Italy, với việc kiểm soát làn sóng người di cư một cách hợp pháp, an toàn.
Mặc dù số người di cư thực hiện hành trình nguy hiểm trên những chiếc thuyền mong manh và chật hẹp vượt Địa Trung Hải vẫn lên tới gần 119.000 người, song con số này đã giảm gần 1/3 so với năm 2016.
Những nỗ lực của Italy nhằm giải quyết vấn đề này vẫn gây tranh cãi, nhưng kết thúc năm 2017, vấn nạn người di cư về cơ bản đã có nhiều chuyển biến so với sáu tháng đầu năm.
[Italy kêu gọi các nước EU mở hải cảng đón nhận người di cư]
Theo các số liệu thống kê của chính phủ, trong nửa đầu năm 2017, số người di cư đến Italy bằng đường biển đã tăng gần 20% và số đơn xin tị nạn "bùng nổ" do các nước láng giềng trong Liên minh châu Âu (EU) như Pháp, Thụy Điển, Áo... đóng cửa biên giới.
Chỉ trong ba ngày cuối cùng của tháng 6 vừa qua, đã có tới 10.400 người đến Italy sau khi các nước láng giềng từ chối cho phép các tàu, kể cả tàu cứu hộ người di cư ngoài khơi, được cập vào các cảng nước mình.
Sau khi cuộc tổng tuyển cử được ấn định vào ngày 4/3/2018, người di cư được xem là "vấn đề chủ chốt" trong các cuộc vận động tranh cử, đặc biệt giữa đảng Dân chủ (PD) trung tả cầm quyền của Thủ tướng Gentiloni với đảng dân túy chính thống Phong trào 5 Sao (M5S), vốn được coi là đang có được tỷ lệ ủng hộ cao nhất.
Chính phủ Italy đã nỗ lực điều chỉnh cách thức nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư, trong đó ưu tiên các trung tâm tiếp nhận nhỏ hơn nhằm giúp những người mới đến.
Mọi việc đã bắt đầu thay đổi vào tháng Bảy khi số tàu thuyền chở người di cư khởi hành từ Libya bất ngờ giảm và xu hướng này tiếp tục giảm tới 70% trong sáu tháng cuối năm so với cùng kỳ năm 2016.
Nguyên nhân sự sụt giảm lớn này được cho là nhờ sự phối hợp chặt chẽ của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Italy và Libya nhằm ngăn chặn tàu chở người di cư cũng như sự trợ giúp của quân đội các nước.
Cùng với đó là những chiến dịch thắt chặt kiểm soát biên giới phía Nam Libya, đẩy nhanh tiến trình hồi hương người di cư từ Libya cùng các biện pháp ngăn chặn dòng người di cư từ khu vực Nam sa mạc Sahara thông qua các quốc gia quá cảnh như Niger và Sudan.
Đến đầu tháng 12 này, hải quân Libya thông báo đã có tổng cộng 80.000 người di cư được cứu trên biển hoặc chặn lại trong năm 2017.
[Video] Italy cứu hơn 8.000 người di cư trong vòng 48 giờ
Chính phủ Italy mới đây cho biết 10.000 người tị nạn hiện bị mắc kẹt tại các lán trại và trung tâm tị nạn ở Libya có thể sẽ được chuyển tới châu Âu vào năm 2018. Đây là một phần trong nỗ lực của các nước EU nhằm giải quyết điều kiện cực kỳ tồi tệ tại các trại tị nạn ở Libya, nơi hàng nghìn người bị giam giữ trong những điều kiện rất vô nhân đạo.
Thủ tướng Gentiloni cũng đưa ra quan điểm nhấn mạnh đến giải pháp đối với những thách thức mà EU đang đối mặt hiện nay trong vấn đề người di cư và tăng cường sức mạnh đoàn kết của khối. Trong đó, ông khẳng định EU cần phải phối hợp với các nước châu Phi trong việc ngăn chặn làn sóng người di cư và các nước thành trong khối cần tận dụng thời cơ hiện nay khi kinh tế đang trên đà phục hồi để xây dựng một liên minh gắn kết hơn.
Libya là điểm khởi hành chính của hầu hết những người di cư châu Phi tìm cách vượt biên sang các nước châu Âu qua Địa Trung Hải. Trong khi đó, Italy là điểm đến của dòng người di cư trên biển trong những năm qua, với hơn nửa triệu người đến nước này kể từ năm 2014. Năm 2016, số người đến Italy đã lên mức kỷ lục là 181.000./.