Các hãng thông tấn thế giới tìm hướng đi cho tương lai báo chí

Hội nghị các hãng thông tấn thế giới với chủ đề "Tương lai báo chí truyền thống trong bối cảnh nhiều thách thức mới" đã diễn ra ngày 24/5 trong khuôn khổ SPIEF 2018.
Các hãng thông tấn thế giới tìm hướng đi cho tương lai báo chí ảnh 1Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh tham dự hội nghị. (Ảnh Dương Trí/TTXVN)

Hội nghị các hãng thông tấn thế giới với chủ đề "Tương lai báo chí truyền thống trong bối cảnh nhiều thách thức mới" đã diễn ra ngày 24/5 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St. Petersburg lần thứ 22 (SPIEF 2018).

Tham dự hội nghị dưới sự bảo trợ của hãng thông tấn TASS (Nga) có lãnh đạo của gần 30 hãng thông tấn lớn trên thế giới như Russia Today (RT) của Nga, AP (Mỹ), ANSA (Italia), AFP (Pháp), Kyodo News (Nhật Bản), Tân Hoa xã (Trung Quốc), EFE (Tây Ban Nha), PA (Anh), IRNA (Iran) Prensa Latina (Cuba)...

Đoàn TTXVN do Phó Tổng giám đốc Lê Quốc Minh dẫn đầu tham dự.

Một trong những thách thức đối với báo chí chính là sự lan truyền tin tức giả. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Hãng thông tấn Nga (TASS) Sergei Mikhailov, cho rằng đã đến lúc cần phải xây dựng những cơ chế hiệu quả để nhanh chóng làm rõ những thông tin giả trong môi trường truyền thông.

Ông Mikhailov lưu ý hiện tượng từ lâu các phương tiện thông tin đại chúng sử dụng thông tin của người sử dụng mạng xã hội như nguồn thông tin, và trên thực tế, người sử dụng mạng xã hội biết được nhiều sự kiện, đặc biệt là những sự cố bất thường nhanh hơn các phương tiện truyền thông đại chúng.

Theo ông Mikhailov, không thể coi thường hiện tượng này và nhiệm vụ của những người làm truyền thông chuyên nghiệp là học cách thu được lợi ích tối đa từ mạng xã hội.

Ông Mikhailov cũng đề xuất xây dựng những cơ chế liên lạc với người sử dụng mạng xã hội để sử dụng họ như "mạng lưới nhà báo công dân ở bất cứ nơi nào trên thế giới, đồng thời giải quyết được vấn để kiểm chứng nguồn tin."

 

[Tương lai của tin tức: Đón chào đợt sóng công nghệ kế tiếp]

Đề cập đến vấn đề trên, Giám đốc điều hành Hãng Kyodo News (Nhật Bản) ông Hiroki Sugita nhấn mạnh: "Các phương tiện truyền thông đại chúng cần phải bắt đầu các cuộc đàm phán tập thể với các nhà cung cấp nền tảng, các hãng thông tấn và không chỉ các hãng tin cần phải xây dựng hệ thống kiểm tra sự thật."

Tuy nhiên, theo ông Sugita, để xây dựng được nền tảng như thế "không thể làm riêng lẻ mà cần phải cùng nhau hành động."

Các hãng thông tấn thế giới tìm hướng đi cho tương lai báo chí ảnh 2Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh trao đổi với lãnh đạo Kyodo News (Nhật Bản) bên lề hội nghị. (Ảnh Dương Trí/TTXVN)

Đại diện Hãng thông tấn AP, ông Ian Phillips chia sẻ: "Ngày nay, người sử dụng mạng xã hội được tiếp cận nhiều nguồn tin khác nhau, vì vậy độc giả mong muốn nhận được tin tức từ những nguồn tin đã được xác thực." Theo ông Phillips, hiện độc giả quan tâm đến cái gọi là "xác minh dữ kiện," quan tâm đến việc kiểm tra tính xác thực của thông tin. Hiện, AP đang thuê nhân viên mới phụ trách hoạt động "xác minh dữ kiện."

 

Trong khi đó, Giám đốc Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA Seyed Zia Hashemi đề cập thách thức khác mà báo chí truyền thống đang phải đối mặt với tham luận "Những công nghệ mới là thách thức đối với các hãng thông tấn." Theo ông, các mạng xã hội là những nền tảng mà trên đó có thể đăng tải nội dung rẻ tiền và làm diễn đàn áp đặt ý kiến dưới vỏ bọc báo chí. Do đó, nhiều hãng thông tấn bắt đầu cạnh tranh với hiện tượng này, còn độc giả bắt đầu đánh mất niềm tin đối với báo chí nói chung.

Chia sẻ ý kiến trên, Giám đốc Press Association Group (PA, Anh) ông Clive Marshall, kêu gọi không đánh giá tầm quan trọng của thông tin về độ phổ biến của chúng trên mạng xã hội. Điều quan trọng nhất đối với các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống cần phải giữ thương hiệu và danh tiếng của mình.

Một chủ đề nữa được thảo luận sôi nổi tại hội nghị lần này là triển vọng "robot hóa" các phương tiện truyền thông đại chúng. Tổng Giám đốc TASS Mikhailov cho rằng không nên lo sợ tự động hóa sản xuất nội dung. Giả sử, trong tương lai gần, trí tuệ nhân tạo có thể xử lý và sản xuất đến 80% nội dung thông tin, thì lúc đó phóng viên có nhiều thời gian hơn để làm việc với các nguồn tin và tìm kiếm những đề tài mới, tạo bước đột phá. Nhờ đó, chất lượng báo chí sẽ tăng lên, chứ không giảm xuống như nhiều người lo ngại, ông Mikhailov nhận định.

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Hãng thông tấn Armenia Armenpress cho rằng các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống và đặc biệt là các hãng thông tấn đang tiên phong phát triển công nghệ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, sản xuất tin tức và sử dụng mạng xã hội. Thách thức chính đối với các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống ở chỗ không được quên sứ mệnh của mình là "nói sự thật, làm báo chân chính, không quên trách nhiệm đạo đức của nhà báo."

Giám đốc điều hành Kyodo News ông Hiroki Sugita kêu gọi các hãng thông tấn hợp tác với các phương tiện truyền thông mới. Ông Hiroki Sugita cho biết: "Hiện, chúng ta đang cạnh tranh với các phương tiện truyền thông mới, tuy nhiên sự cạnh tranh có thể chôn vùi chúng ta, vì vậy cần phải hợp tác."

Ông Hiroki Sugita cũng nhấn mạnh rằng một trong những nhân tố "sống còn" đối với các hãng thông tấn là phải "thay máu", thu hút nhân tài trong giới trẻ vốn là thế hệ nhạy bén với cái mới, đào tạo cho họ những kỹ năng cần thiết và đưa vào làm việc trong lĩnh vực truyền thông đại chúng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục