Các nhà du hành Nga làm việc hơn 5 tiếng ngoài khoảng không vũ trụ

Các nhà du hành vũ trụ Nga Ghenady Padalka và Mikhail Kornienko đã thực hiện chuyến đi ra ngoài khoảng không vũ trụ kéo dài khoảng 5 tiếng rưỡi.
Các nhà du hành Nga làm việc hơn 5 tiếng ngoài khoảng không vũ trụ ảnh 1Hai nhà du hành vũ trụ Nga Ghenady Padalka và Mikhail Kornienko. (Nguồn: AP)

Các nhà du hành vũ trụ Nga Ghenady Padalka và Mikhail Kornienko rạng sáng 11/8 (theo giờ Việt Nam) đã quay trở lại khoang lắp ghép Pirs của Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), sau khi thực hiện mọi nhiệm vụ của chuyến đi ra ngoài khoảng không vũ trụ kéo dài khoảng 5 tiếng rưỡi.

Theo Trung tâm Điều khiển bay (SUP) của Nga, đây là chuyến đi ra ngoài khoảng không vũ trụ lần thứ 41 trong chương trình của các nhà du hành Nga trên ISS và chuyến đi thứ 188 của các nhà du hành vũ trụ quốc tế tại đây.

Trong chuyến đi ra ngoài khoảng không vũ trụ này, các nhà du hành đã lắp các tay vịn mềm trên khoang làm việc "Ngôi sao", làm sạch cửa số 2 của khoảng và lắp các bộ kẹp anten liên lạc vô tuyến giữa các khoang, sau đó chụp ảnh thiết bị khoa học Expose-R, tháo dỡ khối cảm biến trong thí nghiệm Obstanovka. Sau đó, các nhà du hành thay đổi hướng thiết bị khối kiểm soát áp suất tại khoang nghiên cứu nhỏ Poisk và chụp ảnh bề mặt ngoài khoang của Nga trên ISS.

Expose-R là thí nghiệm của Cơ quan Hàng không vũ trụ châu Âu được tiến hành trên khoang của Nga nhằm phơi bày các mẫu vật liệu hữu cơ và sinh học trên bề mặt ngoài của ISS trong khoảng không vũ trụ.

Trong khi đó, thí nghiệm Obstanovka là một nghiên cứu của Nga, sử dụng thiết bị đặc biệt để phát hiện các quá trình sóng plasma liên quan đến các mối liên hệ giữa Trái ​Đất và Mặt Trời trong tầng ion, quan sát ảnh hưởng của các nhiễu loạn điện từ lên các cơ thể sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục