Các nước phản ứng trước lời đe dọa hủy diệt Triều Tiên của Mỹ

Phản ứng trước lời đe dọa của Tổng thống Mỹ rằng có thể sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã nhấn mạnh đến nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình.
Các nước phản ứng trước lời đe dọa hủy diệt Triều Tiên của Mỹ ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 19/9. (Nguồn: AFP)

Phản ứng trước lời đe dọa ngày 19/9 của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng có thể sẽ “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên, nếu Bình Nhưỡng không kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của mình, cùng ngày nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã nhấn mạnh đến nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình.

Trong bài phát biểu đầu tiên trước Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Trump đã đưa ra lời de đọa sử dụng vũ lực trực tiếp nhất với Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng liên tục bắn tên lửa bay qua không phận Nhật Bản cũng như tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6.

[Ông Trump dọa "phá hủy hoàn toàn" nếu Triều Tiên không từ bỏ hạt nhân]

Phát biểu với báo giới sau đó, ông cho biết đã "đạt được nhiều tiến triển" sau cuộc gặp với lãnh đạo các nước đồng minh liên quan đến vấn đề Triều Tiên bên lề kỳ họp của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo sau khi phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Pháp Francois Macron lại nhấn mạnh trừng phạt là giải pháp duy nhất cho vấn đề Triều Tiên. Theo ông, để biện pháp này phát huy hiệu quả, cần phải có chính sách chủ động của Nga và Trung Quốc.

Tổng thống Macron khẳng định ông phản đối biện pháp quân sự do cho rằng nó sẽ dẫn đến sự hủy diệt trên bán đảo Triều Tiên mà “tuyệt đối cần phải tránh.”

Cùng ngày, phản ứng trước phát biểu của Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tán thành quan điểm rằng giải pháp duy nhất cho vấn đề Triều Tiên là "hòa bình và ngoại giao."

Phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở Đức, Thủ tướng Merkel khẳng định sẽ sử dụng “mọi sức mạnh” để tìm kiếm một giải pháp để không dẫn đến kịch bản xấu hơn.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố Bắc Kinh để ngỏ mọi nỗ lực dẫn tới việc giải quyết vấn đề Triều Tiên một cách hòa bình, thông qua chính trị và ngoại giao. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh tuyên bố chung ký hồi tháng 9/2005 trong vòng thứ 4 cuộc đàm phán 6 bên, là tiến triển quan trọng nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên thông qua đàm phán.

Hiện Trung Quốc đề xuất cách tiếp cận 2 chiều, theo đó Triều Tiên sẽ dừng chương trình hạt nhân, đổi lại Mỹ và Hàn Quốc ngừng tiến hành các cuộc tập trận chung trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục