Các tôn giáo chung tay bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu

Vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, người dân và không thể thiếu vai trò hết sức quan trọng của các tổ chức tôn giáo.
Các tôn giáo chung tay bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu ảnh 1Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Sáng 25/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị ký kết Chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026, giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường và 43 tổ chức tôn giáo.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân ghi nhận, đánh giá cao các tôn giáo đã có nhiều phong trào, mô hình hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường.

Chức sắc, nhà tu hành tôn giáo thường xuyên vận động tín đồ tích cực tham gia các hoạt động vì môi trường do chính quyền tổ chức, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong xã hội, góp phần cùng cả hệ thống chính trị trong cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường.

Ông Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng và người dân, trong đó không thể thiếu vai trò hết sức quan trọng của các tổ chức tôn giáo; đề nghị các tổ chức tôn giáo lồng ghép xây dựng chương trình hành động để nâng cao nếp sống, văn hóa bảo vệ môi trường vào giáo dục đạo đức trong cộng đồng dân cư vì cuộc sống hạnh phúc của cộng đồng và lợi ích xã hội.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức tôn giáo trong xây dựng, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật môi trường, ngăn ngừa việc lợi dụng vấn đề môi trường để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, 5 năm qua, Chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu (Chương trình phối hợp) giai đoạn 2015-2020 với 5 nội dung, 7 mục tiêu đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, trên nhiều phương diện.

Các tôn giáo đã xây dựng được nhiều mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng tôn giáo, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào tôn giáo và người dân ở cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

[Cải thiện chất lượng môi trường: Cần hành động mạnh mẽ]

Theo ông Ngô Sách Thực, đến nay, cả nước đã có hơn 2.000 mô hình thuộc 43 tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Nhiều mô hình hiệu quả, cách làm hay tiêu biểu như mô hình "Khu dân cư bảo vệ mô trường, ứng phó với biến đổi khí hậu" của đồng bào theo đạo Balamon tỉnh Ninh Thuận; "Tổ đoàn kết tôn giáo với công tác bảo vệ môi trường" của Chùa Long Quang, Núi Thành, tỉnh Quảng Nam; "Giáo xứ an toàn-sáng- xanh-sạch-đẹp" của Giáo xứ Thánh Mẫu tỉnh Lâm Đồng…

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, thông qua thực hiện Chương trình phối hợp đã khẳng định đường hướng sống "Tốt đời, đẹp đạo" của các tôn giáo, góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể; tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo, tăng cường sự hiểu biết, gắn bó, đoàn kết giữa các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại diện một số tổ chức tôn giáo đã có tham luận về kết quả, kinh nghiệm thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2015-2020 trong tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp ý kiến về kế hoạch, giải pháp triển khai Chương trình phối hợp trong thời gian tới.

Đại diện một số bộ, ngành Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu chia sẻ tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường; hưởng ứng Chương trình phối hợp giai đoạn 2015-2022 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các tổ chức tôn giáo trong công tác bảo vệ môi trường, đối phó biến đổi khí hậu.

Các tôn giáo chung tay bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu ảnh 2Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng đại diện 43 tổ chức tôn giáo ký Chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2026. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cùng đại diện 43 tổ chức tôn giáo đã thực hiện nghi thức ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2026.

Chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2026 hướng tới mục tiêu tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khi hậu của các tổ chức, cá nhân tôn giáo và nhân dân, thúc đẩy phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường;" phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích các tầng lớp nhân dân, các tôn giáo ủng hộ, tăng cường sử dụng, khai thác các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…

Chương trình phối hợp giai đoạn 2022-2026 quy định những nội dung, nhiệm vụ cơ bản của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; ngành Tài nguyên và Môi trường các cấp; các tổ chức tôn giáo, các tổ chức tôn giáo trực thuộc trong công tác phối hợp tham gia bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục