Cấm vận hàng hóa khiến dân Nga thiệt hại 5,4 tỷ USD

Cấm vận hàng hóa khiến người dân Nga thiệt hại 5,4 tỷ USD

Việc cấm vận hàng hóa, thực phẩm cũng khiến người tiêu dùng Nga phải mua đắt hơn, thiệt hại tới 400 tỷ ruble (khoảng 5,4 tỷ USD), trong khi chất lượng hàng hóa lại giảm.
Tiêu hủy hoa quả, thực phẩm nhập lậu vào Nga. (Nguồn: Báo Độc lập)

Cuộc chiến trừng phạt, cấm vận giữa Nga và Phương Tây kéo dài gần 2 năm qua, khiến cho người dân Nga phải cắt giảm lượng tiêu thụ thịt, trái cây và sữa.

Các số liệu thống kê của Nga mới đây cho biết cấm vận hàng hóa, thực phẩm cũng khiến người tiêu dùng Nga phải mua đắt hơn, thiệt hại tới 400 tỷ ruble (khoảng 5,4 tỷ USD), trong khi chất lượng hàng hóa lại giảm.

Lệnh cấm vận và cấm vận đáp trả cũng đã không tạo ra lợi thế đặc biệt nào cho nông dân Nga, như sự "cam kết" của giới chức nước này, khi cho rằng cấm vận, cấm nhập khẩu hoa quả, thực phẩm sẽ tạo lợi thế cho hàng hóa trong nước phát triển.

Sự hỗ trợ phần nào mà người dân Nga nhận được, thực ra, đến từ chính sự mất giá của đồng ruble. Và như một kết quả tất yếu, giảm nhập khẩu đã dẫn đến thực tế là việc tiêu thụ các thực phẩm cơ bản giảm.

Trong khi đó, giá cả tăng đã trực tiếp đánh vào túi tiền của người dân. Họ đã phải móc hầu bao trả thêm khoảng 400 tỷ ruble cho cùng lượng hàng hóa đó, song lại kém hơn về chất.

Những dữ liệu này được các chuyên gia kinh tế Nga công bố ngày 1/3.

Giới chức Nga cho rằng lệnh cấm vận mà Phương Tây và Mỹ áp đặt hồi tháng 8/2014 lại là nguyên cớ, tạo sức bật cần thiết để hỗ trợ nền sản xuất nông nghiệp trong nước.

Nhưng trên thực tế, hỗ trợ cho người nông dân không đến từ lệnh cấm vận, mà lại xuất phát từ việc đồng nội tệ mất giá gần 2 lần. Vào cuối năm 2015 sản xuất nông nghiệp tăng 3% so với năm 2014; sản xuất thực phẩm tăng 2%.

Trong bối cảnh sa sút của nền kinh tế Nga, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm còn 3,7% năm 2015, thì liệu có thể coi đây là bằng chứng về lợi ích của các lệnh cấm vận?

Giám đốc Viện Phân tích chiến lược Nga Igor Nikolaev cho rằng nếu chúng ta so sánh tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp trước và sau cuộc chiến trừng phạt - cấm vận, chúng ta sẽ không nhận thấy có điểm gì tích cực, mà chỉ thấy một tông màu ảm đạm.

Hậu quả cơ bản của lệnh cấm vận chính là mức tăng giá lương thực.

Tính bình quân giá lương thực, thực phẩm giai đoạn 2009-2013 so với giai đoạn 2014-2016 đã có sự khác biệt.

Thịt và gia cầm tăng giá 13% trong 3 năm qua, thay vì 8% giai đoạn 2009-2013; tương tự tỷ lệ cá và hải sản tăng 36% so với mức tăng 10%; sữa và các sản phẩm sữa - tăng 18% thay vì 16%. Riêng mặt hàng rau quả, mức tăng là 39%, trong khi mức tăng trong giai đoạn 2009-2013 là 41%.

Ông Nikolaev kết luận "lệnh cấm vận đã tiêu tốn của người dân số tiền vào khoảng 400 tỷ ruble" và ông cũng khẳng định trong lịch sử thế giới hiện đại, chưa bao giờ có một lệnh cấm vận quy mô lớn như vậy.

Theo lý thuyết, đợt trừng phạt kinh tế như vậy có thể làm tê liệt nền kinh tế Nga, song thật may mắn là ngành nông nghiệp Nga vẫn đạt sự tăng trưởng chung.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp bị hạn chế bởi nhu cầu thực sự của người dân. Do thu nhập thực tế giảm 4%, và tiền lương thực tế giảm 9,5%, nên người dân buộc phải cắt giảm nhu cầu chi tiêu của mình. Điều này dẫn đến sự sụt giảm trong doanh thu bán lẻ đối với các sản phẩm thực phẩm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục