“Cạn kiệt” nguồn nhân lực phục vụ phòng chống HIV ở Khánh Hòa

Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Khánh Hòa đang điều trị cho 350 người dùng methadone, gần 100 bệnh nhân AIDS bằng thuốc ARV, nhưng chỉ có 2 người làm chuyên môn gồm một bác sỹ điều trị và giám đốc.
Chia sẻ của bác sỹ về tình trạng nguồn nhân lực phục vụ phòng chống HIV/AIDS ngày càng ít.

Thành phố Nha Trang nổi tiếng về du lịch. Cùng với sự phát triển về kinh tế vượt bậc, suốt 20 năm qua, ngành y tế của tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực để thoát khỏi danh sách tỉnh trọng điểm về dịch HIV/AIDS, trở thành tỉnh trung bình trên toàn quốc.

Tuy nhiên, sau những nỗ lực đó được thực hiện, nguồn nhân lực của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đang trong tình trạng “cạn kiệt.”

2 bác sỹ "gánh gần" 500 bệnh nhân

Bác sỹ Trần Văn Tin - Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Khánh Hòa cho biết, dịch HIV/AIDS ở Khánh Hòa có từ năm 1993, sau trường hợp đầu tiên phát hiện ở trong nước khoảng 3 năm.

Giai đoạn trước những năm 2002-2003, Khánh Hòa là tỉnh có người nhiễm HIV/AIDS đứng thứ hai toàn quốc, chỉ đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh.

​Trước và những năm đầu thập kỷ 2.000, Khánh Hòa nằm trong số 10 tỉnh có người nhiễm HIV nhiều nhất Việt Nam. Trong 5 năm trở lại đây, Khánh Hòa đã thoát ra khỏi các tỉnh trọng điểm về dịch HIV/AIDS, trở thành tỉnh có người nhiễm HIV ở mức trung bình.

Bác sỹ Tin cho hay, trong những năm qua số nhiễm mới HIV giảm, số tử vong mới giảm, số điều trị cũng khá tốt (76% bệnh nhân HIV được điều trị), tuy nhiên công tác phòng chống còn nhiều thách thức, điển hình như về công tác nhân lực trong phòng chống HIV/AIDS.

Tại Trung tâm đang điều trị cho 350 người dùng methadone, gần 100 bệnh nhân AIDS bằng thuốc ARV (thuốc kháng virus HIV), nhưng chỉ có hai người làm chuyên môn gồm một bác sỹ điều trị và giám đốc.

Từ 1/1/2016 đến nay, tất cả các dự án tài trợ tại tỉnh Khánh Hòa đều kết thúc – đây cũng là tình trạng chung trong công tác phòng chống HIV của cả nước, chỉ còn dự án tài trợ của Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS hỗ trợ sinh phẩm, thuốc ARV, thuốc methadone, bao cao su, bơm kim tiêm.

Về kinh phí cho công tác phòng chống HIVAIDS, bác sỹ Tin cho biết, trước đây có khoảng 11 tỷ đồng cho dự án trong nước và nước ngoài. Giờ không có nhiều nguồn tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế nữa, chỉ có khoảng 2,4 tỷ đồng/năm là nguồn ngân sách của tỉnh rót về nên mọi công việc đều chật vật vô cùng, áp lực rất lớn. Từ năm 2016 đến nay, hầu như không có kinh phí dành cho nhân sự.

Bác sỹ Tin ngậm ngùi: “Một số cán bộ viên chức không còn nhiệt tình như trước, xin chuyển công tác. Trung tâm của tỉnh hiện nay quản lý, điều trị cai nghiện cho 350 người mà chỉ có hai bác sỹ. Trong 7 năm gần đây, có rất nhiều bác sỹ của trung tâm xin nghỉ và chuyển đi nơi khác. Tôi vừa là giám đốc vừa làm bác sỹ điều trị. Công việc của tôi thì có thể làm bất cứ chuyện gì, kể cả soạn thảo văn bản.”

“Cạn kiệt” nguồn nhân lực phục vụ phòng chống HIV ở Khánh Hòa ảnh 1Bác sỹ Trần Văn Tin - Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

“Có ai muốn làm HIV đâu”

Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Khánh Hòa, thời kỳ cao điểm nhất có 9 bác sỹ, nhưng những năm gần đây, số bác sỹ cứ lần lượt ít dần ít dần đi, trong khi khối lượng công việc ngày càng tăng.

Bác sỹ Tin chia sẻ, Khánh Hòa là tỉnh phát triển mạnh về mọi mặt và đang vận hành theo kinh tế thị trường, nhiều bác sỹ thấy nơi khác ổn, họ sẵn sàng bỏ bệnh viện tỉnh để đi chứ không riêng gì xảy ra ở trung tâm AIDS. Bác sỹ giỏi tìm mọi cách ra khỏi nhà nước. Đây là khó khăn chung và Sở Y tế cũng rất “đau đầu” trước thực trạng trên.

Những năm qua, có 5-7 bác sỹ ở Trung tâm đã xin chuyển đi. Về chuyên môn, bác sỹ của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS hiện chỉ còn có hai người là bác sỹ Tin và một bác sỹ Trưởng phòng điều trị ARV, methadone. Vì vậy, bác sỹ của Trung tâm nếu cứ một hoặc hai người nghỉ thì không có ai làm, trong khi mỗi ngày có hàng trăm chữ ký vào đơn thuốc và bệnh án của bệnh nhân cần phải ký.

“Trong 5 năm qua, lãnh đạo của Trung tâm đã gửi yêu cầu lên Sở Y tế để tuyển bác sỹ. Bác sỹ nộp hồ sơ tại Khánh Hòa rất nhiều, mỗi năm hàng trăm bác sỹ, nhưng không có bác sỹ nào gửi về Trung tâm. Tôi cứ chờ có người về để làm giám khảo mà không có ai về. Đây là áp lực rất lớn trong nhiều năm nay, Sở Y tế của tỉnh cũng đã hết sức, mà vẫn không tuyển được bác sỹ. Bởi có ai muốn làm HIV đâu!” bác sỹ Tin ngậm ngùi.

Ông Lâm Quang Chứng - Phó giám đốc sở Y tế Khánh Hòa cho hay, tình trạng trên lãnh đạo Sở đã nắm được. Biên chế của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS của tỉnh cũng là đặc thù của ngành y tế như: da liễu, lao, pháp y, tâm thần là một trong những đơn vị gần như không có bác sỹ về.

Chính vì vậy, công tác phòng chống HIV/AIDS rất khó khăn, chật vật để triển khai các hoạt động, tác động đến tính bền vững của chương trình...

Phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa nhấn mạnh, sau một quá trình thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực cũng có một số bác sỹ về, hiện nay còn những đơn vị như chống HIV/AIDS của tỉnh phải xây dựng chính sách đào tạo tại chỗ. Hiện nay ngành y tế khánh Hòa đang xây dựng đề xuất đã trình cho tỉnh xem xét trong chiến lược phát triển nguồn lực cán bộ địa phương. Hy vọng, những chính sách mới sẽ thu hút nguồn lực, đặc biệt là bác sỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục