Canada coi trọng vai trò của Ấn Độ Dương-TBD trong định hình tương lai

Canada khẳng định Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang mang đến những cơ hội mới, đòi hỏi một sự thay đổi mang tính thế hệ trong chính sách đối ngoại của Ottawa.
Canada coi trọng vai trò của Ấn Độ Dương-TBD trong định hình tương lai ảnh 1Thủ tướng Canada Justin Trudeau. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vừa được Chính phủ Canada công bố ngày 27/11, Ottawa xác định Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ đóng vai trò quan trọng suốt tiến trình định hình tương lai của Canada trong nửa tới thế kỷ tới.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau nhấn mạnh mọi vấn đề quan trọng đối với người dân Canada - bao gồm an ninh quốc gia, kinh tế thịnh vượng, tôn trọng luật pháp quốc tế, các giá trị dân chủ, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường và quyền con người - sẽ được định hình bởi các mối quan hệ của quốc gia Bắc Mỹ (cùng các đồng minh và đối tác) với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ottawa khẳng định Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang mang đến những cơ hội mới, đòi hỏi một sự thay đổi mang tính thế hệ trong chính sách đối ngoại của Canada, để đảm bảo cho người dân nước này và người dân trong khu vực được hưởng lợi từ sự tham gia của Canada.

Giai đoạn 5 năm đầu tiên trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada bao gồm các sáng kiến mới, với nguồn vốn đầu tư khoảng 2,3 tỷ CAD (1,72 tỷ USD).

Trong 2 năm 2026 và 2027, Chính phủ Canada sẽ cập nhật các sáng kiến và nguồn lực cho giai đoạn 2027-2032.

[Nền kinh tế Canada đang trở nên nhạy cảm hơn với lãi suất]

Chính phủ Canada xác định chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là nỗ lực của toàn xã hội, với 5 mục tiêu liên kết với nhau.

Thứ nhất là thúc đẩy hòa bình, khả năng phục hồi và an ninh. Sự ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được Chiến lược đánh giá có vai trò thiết yếu đối với sự ổn định toàn cầu.

Thông qua Chiến lược, Canada sẽ đầu tư nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, củng cố năng lực tình báo và an ninh mạng, để thúc đẩy an ninh trong khu vực và đảm bảo sự an toàn của người dân Canada ở trong nước.

Thứ hai là mở rộng thương mại, đầu tư và sự phục hồi của chuỗi cung ứng.

Thông qua Chiến lược, Canada-một quốc gia thương mại-sẽ nắm bắt các cơ hội kinh tế bằng cách tăng cường và đa dạng hóa các quan hệ đối tác trong khu vực, đồng thời xây dựng nền kinh tế nội địa mạnh mẽ và an toàn hơn.

Canada sẽ mở rộng khả năng tiếp cận thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đảm bảo đầu tư hiệu quả, bảo vệ sở hữu trí tuệ, thúc đẩy các cơ hội kinh doanh cạnh tranh và củng cố trật tự kinh tế khu vực cởi mở, bền vững hơn và có thể dự đoán được.

Thứ ba là đầu tư và kết nối giao lưu nhân dân giữa Canada với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là trung tâm của chiến lược này.

Canada sẽ mở rộng hợp tác giáo dục, tăng cường năng lực xử lý thị thực, khuyến khích các chuyên gia nước này tham gia nhiều hơn vào các vấn đề khu vực...

Canada cũng sẽ tăng cường hỗ trợ quốc tế về nữ quyền để giải quyết những thách thức liên quan đến phát triển trong khu vực, thúc đẩy những nỗ lực tập thể hướng tới Mục tiêu Phát triển Bền vững, tiếp tục tham gia và bảo vệ quyền con người trong khu vực.

Thứ tư là xây dựng tương lai xanh và bền vững. Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chiếm hơn một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Đây cũng là nơi nhiều nền kinh tế đang đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa-nhân tố sẽ tác động đáng kể đến sự bền vững của môi trường. Thông qua những mối quan hệ đối tác mới và mở rộng trong khu vực, Canada sẽ hỗ trợ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong quá trình chuyển đổi sang một tương lai bền vững và ít carbon.

Canada sẽ chia sẻ chuyên môn về công nghệ sạch, quản lý đại dương, chuyển đổi năng lượng và tài chính khí hậu, hợp tác với toàn khu vực để giảm lượng khí thải và ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học.

Thứ năm là Canada hướng tới mục tiêu trở thành đối tác tích cực và gắn kết ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Canada sẽ mở rộng sự hiện diện và tăng cường sức ảnh hưởng, làm sâu sắc và đa dạng hóa quan hệ đối tác khu vực và hợp tác về các mối quan tâm chung.

Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới. Đến năm 2030, đây sẽ là nơi sinh sống của 2/3 tầng lớp trung lưu toàn cầu.

Dựa trên mối quan hệ lịch sử và văn hóa của Canada với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và hàng chục năm gắn bó với các đối tác trong khu vực, Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thể hiện cam kết mạnh mẽ của Ottawa về việc đầu tư vào các nguồn lực, vì tương lai và lợi ích của Canada, cũng như của khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục