Chây ì khắc phục sai phạm môi trường, Febecom bị phạt 350 triệu đồng

Công ty cổ phần Febecom bị xử phạt vì không thực hiện các hoạt động đầu tư theo đúng quyết định được cấp phép; xả thải nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống thoát nước của Khu công nghiệp Phúc Khánh.
Chây ì khắc phục sai phạm môi trường, Febecom bị phạt 350 triệu đồng ảnh 1Nhà máy của Công ty cổ phần Febecom. (Nguồn: Vietq)

Ngày 25/2, Ban Quản lý Khu Kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết trước những sai phạm của Công ty cổ phần Febecom (Khu công nghiệp Phúc Khánh, phường Phú Khánh, thành phố Thái Bình), Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính lần thứ hai đối với công ty này số tiền 353 triệu đồng.

Ngày 31/12/2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã xử phạt Công ty cổ phần Febecom 350 triệu đồng vì hành vi tự ý hoạt động sản xuất rượu, thay đổi quy trình, công nghệ xử lý khí thải nhưng không lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Trong lần xử phạt vi phạm hành chính lần thứ hai này, Công ty cổ phần Febecom bị xử phạt vì không thực hiện các hoạt động đầu tư theo đúng quyết định được cấp phép; xả thải nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống thoát nước của Khu công nghiệp Phúc Khánh; không khai báo với cơ quan quản lý lao động địa phương về các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động trước khi đưa vào sử dụng…

Theo cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình, mặc dù tỉnh kiên quyết xử lý nhưng công ty vẫn chây ì, không nghiêm túc chấp hành quyết định xử phạt và các yêu cầu của cơ quan chuyên môn.

[Sản xuất rượu 'đội lốt' thức ăn chăn nuôi, một công ty bị phạt nặng]

Công ty cổ phần Febecom có trụ sở chính tại số 99, phố Nhật Chiêu, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ (thành phố Hà Nội).

Tháng 6/2018, Công ty này được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình cấp phép đầu tư với quy mô là nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, bao gồm sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy, hải sản; sản phẩm dạng bột, dạng mảnh, dạng viên với công suất 140.000 tấn/năm; sản xuất thức ăn bổ sung cho gia súc và gia cầm với công suất 18.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, không lâu sau khi được cấp phép, công ty này đã tự ý chuyển đổi sang sản xuất rượu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục