Chỉ số giá tiêu dùng của TP Hồ Chí Minh tăng 0,3% trong tháng 5

Ngày 22/5, Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Năm này của thành phố tăng 0,3% so với tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng của TP Hồ Chí Minh tăng 0,3% trong tháng 5 ảnh 1Người tiêu dùng mua hàng bình ổn thị trường tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op tại TP Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ngày 22/5, Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Năm này của thành phố tăng 0,3% so với tháng trước.

So với tháng 5/2014, chỉ số CPI của thành phố tăng 0,74%; chỉ số giá bình quân 5 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2014 tăng 0,63%.

Cũng theo Cục Thống kê thành phố, trong tổng số 11 nhóm hàng được thống kê, có 5 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, đặc biệt nhóm hàng tăng giá cao nhất là nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng 2,18%.

Tiếp theo lần lượt các nhóm hàng tăng giá trong tháng gồm: giao thông vận tải với 1,05%; may mặc, mũ nón giày dép 0,1%; văn hóa và giải trí 0,07%; thiết bị và đồ dùng gia đình 0,02% so với tháng trước.

Mặt khác, trong tháng Năm này có một số nhóm hàng giảm giá so với tháng trước như nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh nhất với mức 0,06%; hàng hóa và dịch vụ khác 0,04%; bưu chính viễn thông giảm 0,02%. Cụ thể trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống thì thực phẩm giảm mạnh nhất với mức 1,13%; ăn uống ngoài gia đình duy trì mức giá ổn định, riêng chỉ có lương thực tăng 0,06% so với tháng trước.

Đáng chú ý là trong tháng này, có nhiều nhóm hàng có mức giá ổn định so với tháng Tư năm nay là giáo dục; dược phẩm và dịch vụ y tế; đồ uống và thuốc.

Theo phân tích của các chuyên gia, mặc dù có nhiều nhóm hàng giảm giá và duy trì mức giá ổn định, nhưng do một số nhóm hàng có giá tăng cao so với tháng trước như nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; giao thông; văn hóa và giải trí... đã tác động và kéo chỉ số CPI thành phố tiếp tục giữ xu hướng tăng so với tháng trước.

Đặc biệt, từ phân tích của một số chuyên gia, nguyên nhân giá nhóm hàng giao thông vận tải có mức tăng cao trong tháng Năm này là do tác động của việc điều chỉnh giá xăng.

Cùng chiều với chỉ số CPI, chỉ số tỷ giá USD tháng Năm này tăng 0,06%; riêng chỉ số giá vàng giảm mạnh ở mức 0,6% so với tháng trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục