Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 3,5% trong quý 3 do COVID-19

Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý 3 đã giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020. Theo đó, giá trị tăng của ngành trong 9 tháng chỉ đạt 4,45% so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 3,5% trong quý 3 do COVID-19 ảnh 1Hoạt động sản xuất công nghiệp trong quý 3 gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. (Ảnh: TTXVN)

Báo cáo kinh tế-xã hội từ Tổng cục Thống kê cho biết hoạt động sản xuất công nghiệp trong quý 3 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa phương có khu công nghiệp lớn phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài.

Cụ thể, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý 3 đã giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, giá trị tăng của ngành trong 9 tháng chỉ tăng 4,45% so với cùng kỳ (quý 1 tăng 6,29%, quý 2 tăng 11,18%, quý 3 giảm 3,5%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,05%, ngành khai khoáng giảm 7,17% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm 6% và khí đốt tự nhiên dạng khí giảm 17,6%).

[Toàn cảnh kinh tế Việt Nam 9 tháng năm 2021]

Tuy nhiên, chỉ số sản xuất của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp 2 vẫn tăng cao so với cùng kỳ năm, bao gồm sản xuất kim loại tăng 28,4%, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 7,7%, sản xuất trang phục tăng 4,8%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 4,5%...

Tại các địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp, chỉ số công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm mạnh nhất đến 12,9%, kế đến là Bến Tre giảm 11,2%, Đồng Tháp giảm 9,9%, Cần Thơ giảm 9,8%, Khánh Hòa giảm 9,5%, Trà Vinh giảm 7,3%...

Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 3,5% trong quý 3 do COVID-19 ảnh 2(Nguồn: Tổng cục Thống kê)

Ở một số địa phương ít bị ảnh hưởng từ dịch bệnh vẫn duy trì đà tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp, dẫn đầu là Ninh Thuận tăng 32,6% (bao gồm các lĩnh vực chế biến thực phẩm, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng, dệt), kế đến là Đắk Lắk tăng 25%, Hải Phòng tăng 19,7%, Nghệ An tăng 18,3%, Gia Lai tăng 17,4%, Hà Tĩnh  tăng 16,6%...

Về chỉ số tiêu thụ toàn ngành, riêng trong tháng Chín vẫn tăng 12,4% so với tháng Tám song đã giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng nhẹ 2,8% so với cùng kỳ. Điều đáng chú ý, chỉ số tồn kho trong tháng Chín tăng 3,5% so với tháng trước đó và tăng 28,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng thời điểm năm 2020 tăng 24,3%). Do vậy, tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng là 81,1% (cùng kỳ năm trước là 75,6%)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục