Chiến thuật ‘câu giờ’ trong đàm phán hạt nhân của Iran

Thách thức với các nhà ngoại giao trong vấn đề hạt nhân Iran hiện nay là tìm hiểu xem liệu thông điệp về vũ khí hạt nhân mà Iran gửi đi có phải là cốt lõi trong mục tiêu chính sách của Iran hay không.
Chiến thuật ‘câu giờ’ trong đàm phán hạt nhân của Iran ảnh 1Bên trong cơ sở làm giàu urani Fordow của Iran tại thành phố Qom. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tờ Jerusalem Post, trong vấn đề hạt nhân, Iran đang tận dụng chính sách ngoại giao từng phần của phương Tây để tung ra các quân bài có lợi nhằm đạt được các mục tiêu tổng thể khác trong khu vực. Thậm chí, chưa chắc việc sở hữu vũ khí hạt nhân đã nằm trong mục tiêu của Tehran.

Hầu như ngày nào vấn đề hạt nhân Iran cũng xuất hiện trên mặt báo. Một mặt, Mỹ đang tỏ dấu hiệu rằng họ muốn củng cố thỏa thuận Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) ký năm 2015 mà Mỹ đã rút lui năm 2018.

Mặt khác, Iran cũng đang tìm kiếm một thỏa thuận với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về vấn đề thanh sát hạt nhân. Những thông tin kiểu này đều nằm trong mục tiêu của Iran.

Iran hiểu rằng các nước phương Tây thích sự phức tạp hóa. Iran biết rằng chính sách đối ngoại của các quốc gia phương Tây thường được phân chia từng phần.

Điều đó có nghĩa là phương Tây không coi chính sách đối ngoại của mình là tập hợp các chính sách đối phó với một quốc gia trong các lĩnh vực khác nhau. Đó là lý do tại sao Iran có thể áp dụng chung các chính sách kinh tế, quân sự và ngoại giao trong đối phó với Iraq, trong khi các nước phương Tây áp dụng các chính sách riêng (quân sự, đàm phán, kinh tế) cho từng mục tiêu.

[IAEA: Không nên lấy thanh sát hạt nhân làm công cụ đàm phán với Iran]

Tất nhiên, các nước phương Tây không nói ra cụ thể, mà chỉ dùng cụm từ "quan tâm đến lợi ích.” Tuy nhiên, “lợi ích” của các nhà ngoại giao là đàm phán. Với một nhà ngoại giao phương Tây, các cuộc đàm phán liên tục là một thắng lợi, thay vì sử dụng vũ lực.

Các nhà lãnh đạo phương Tây có xu hướng tránh dùng vũ lực, mặc dù họ luôn nói rằng đang đàm phán để “buộc Iran có trách nhiệm” về các vụ tấn công gần đây tại Iraq, hoặc “mọi lựa chọn đều đang được tính đến,” hoặc sẽ có “phản ứng tương xứng.”

Đối với nhà ngoại giao phương Tây, chiến tranh đồng nghĩa với đàm phán thất bại. Điều này khác với ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga. Với họ, ngoại giao phải kết hợp giữa “cây gậy và củ cà rốt.”

Javad Zarif, quan chức ngoại giao cấp cao của Iran, cho rằng các cuộc tấn công ủy nhiệm vào phía Mỹ tại Iraq không làm tổn hại tới sứ mệnh của ông trong việc kết nối với phương Tây, mà nó lại thúc đẩy điều này.

Việc chia nhỏ chính sách ngoại giao ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán của Mỹ về vấn đề hạt nhân Iran. Bởi mục tiêu cuối cùng của Mỹ là “đạt được thỏa thuận,” Iran đã khai thác điều này và gây sức ép với Mỹ bằng các vấn đề khác.

Chẳng hạn, Iran muốn Mỹ dừng coi lực lượng Houthi ở Yemen là khủng bố và ngay lập tức tăng cường tấn công tại Saudi Arabia, mà không có một “thỏa thuận” hoặc trao đổi nào.

Tại Lebanon, Iran biết rằng họ có thể thuê Hezbollah giết hại Lokman Slim, một chủ bút kiêm nhà bình luận, mà không bị trừng phạt. Tại Iraq, Iran biết có thể khai hỏa tên lửa nhằm vào các lực lượng của Mỹ ở Erbil hoặc tấn công sứ quán Mỹ ở Baghdad mà không bị trả đũa. Thông điệp bí mật của các vụ này là: “Nếu Mỹ quay trở lại thỏa thuận, chúng tôi có thể dừng các vụ tấn công này.”

Iran hiểu rằng mấu chốt của đàm phán là thông điệp: “Cách duy nhất ngăn cản Iran có vũ khí hạt nhân là chiến tranh.”

Phương Tây và Mỹ không muốn chiến tranh. Do đó, cách duy nhất cản trở Iran chế tạo vũ khí hạt nhân là làm theo yêu cầu của Tehran. Nếu không, Iran “có quyền” sử dụng các đội quân đánh thuê ở Iraq, Yemen, Syria và Liban để tấn công các đối thủ.

Nếu có được điều họ muốn, Iran sẽ giảm các cuộc tấn công và không gây phiền phức tới quyền lợi của phương Tây tại khu vực Trung Đông nữa. Thậm chí, có thể Iran cũng không cần sản xuất vũ khí hạt nhân, nhưng nước này biết rằng có thể sử dụng mỗi bước làm giàu urani, mỗi chiếc máy li tâm và mỗi kỳ hạn thanh sát như một lợi thế.

Iran chỉ dùng chiến thuật này với phương Tây bởi nó phát huy hiệu quả, chứ không áp dụng với các quốc gia và tổ chức khác, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Trung Quốc. Chẳng hạn, Iran không bao giờ huy động các lực lượng ủy nhiệm để tấn công Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ.

Thách thức với các nhà ngoại giao trong vấn đề hạt nhân Iran hiện nay là tìm hiểu xem liệu thông điệp về vũ khí hạt nhân mà Iran gửi đi có phải là cốt lõi trong mục tiêu chính sách của Iran hay không.

Mục đích của phương Tây là tránh để xảy ra chiến tranh và tránh để Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Mục đích của Iran chưa chắc đã là vũ khí hạt nhân, mà chỉ sử dụng quá trình chế tạo để giành lợi thế đàm phán trong các vấn đề khác. Hoặc có thể Tehran muốn có vũ khí hạt nhân theo cách mà không phải vi phạm thỏa thuận JCPOA.

Đây có thể là lý do tại sao thỏa thuận này đặt ra nhiều khung thời hạn, qua đó Iran có thể nhập khẩu vũ khí trở lại và chờ đến khi có thể tái khởi động chương trình hạt nhân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục