Theo Reuters, chính quyền quân sự Thái Lan đang có các động thái tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng châu Á.
Động thái này nhằm tạo đối trọng với sự chỉ trích từ phương Tây nhằm vào hành động thâu tóm quyền lực hồi tháng Năm vừa qua và việc phải miễn cưỡng ấn định ngày bầu cử sớm để quay khôi phục chế độ dân sự.
Trong động thái mới nhất, ngày 2/7, Ngoại trưởng tạm quyền Thái Lan Sihasak Phuangketkeow đã đảm bảo với Thủ tướng Campuchia Hun Sen rằng các lao động Campuchia, những người hồi hương sau vụ đảo chính do lo ngại bị trấn áp, sẽ được hoan nghênh quay trở lại Thái Lan làm việc.
Hồi tháng trước, một phái đoàn quân sự Thái Lan cũng đã tới thăm Trung Quốc và Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia dự kiến tới Xứ sở Chùa vàng vào ngày 4/7 tới. Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một vị bộ trưởng nước ngoài kể từ khi xảy ra đảo chính tại Thái Lan.
Giới chức quân sự Thái Lan còn tìm kiếm sự ủng hộ từ Việt Nam và người đứng đầu quân đội Myanmar cũng sẽ tới thăm Thái Lan cuối tuần này.
Theo nhà phân tích Kan Yuenyong thuộc Tổ chức tư vấn tình báo Siam, "các nước láng giềng trong khu vực châu Á nhận thức được lợi ích kinh tế khi có cách tiếp cận mềm dẻo đối với quân đội Thái Lan"./.