Chính trường Mỹ Latinh rúng động vì bê bối Petrobras và Odebrecht

Quy mô vụ bê bối liên quan đến Petrobras và Odebrecht đang lan rộng sang một số nước Mỹ Latinh với nhiều cá nhân, trong đó có các chính trị gia, bị liên đới.
Chính trường Mỹ Latinh rúng động vì bê bối Petrobras và Odebrecht ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: bocaonews.com.br)

Quy mô vụ bê bối liên quan đến tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil Petrobras và tập đoàn xây dựng dầu hàng đầu Odebrecht đang lan rộng sang một số nước Mỹ Latinh với nhiều cá nhân, trong đó có các chính trị gia, bị liên đới.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, ngày 8/2, Viện Kiểm sát Peru đã yêu cầu tòa án ra lệnh bắt và giam giữ 18 tháng đối với cựu Tổng thống Alejandro Toledo, cầm quyền giai đoạn 2001-2006, để điều tra một số cáo buộc về tham nhũng, rửa tiền và lợi dụng chức quyền, liên quan đến vụ bê bối của tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil.

Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, Viện Kiểm sát Peru thông báo trong vòng 48 tiếng kể từ khi có yêu cầu nói trên, Thẩm phán Richard Concepción, người đang thụ lý vụ việc, sẽ phải đưa ra quyết định cuối cùng về việc tạm giam ông Telodo.

Cựu Tổng thống Toledo bị tố cáo nhận 20 triệu USD tiền hối lộ trong thời gian ông này đương chức để tạo thuận lợi cho Odebrecht giành các hợp đồng xây dựng hệ thống hạ tầng tại nước này.

Theo truyền thông nước này, hiện vẫn chưa rõ địa điểm ông Toledo đang có mặt bởi trước đó ông này và gia đình đang du lịch ở Paris (Pháp).

Nguồn tin của Viện Kiểm sát Peru cũng tiết lộ đã có bằng chứng cho thấy ông Toledo nhận 11 triệu USD tiền hối lộ thông qua chuyển khoản từ tài khoản ngân hàng của một người thân cận với ông này.

Cựu Tổng thống Toledo đã bác bỏ hoàn toàn mọi thông tin về việc nhận tiền hối lộ.

Trong một diễn biến liên quan khác, Viện trưởng Viện Kiểm sát Colombia Nestor Humberto Martinez cho biết một tòa án bầu cử sẽ điều tra những cáo buộc về việc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Juan Manuel Santos vào năm 2014 đã được tập đoàn xây dựng Odebrecht của Brazil tài trợ số tiền 1 triệu USD.

Thông tin trên do một cựu thượng nghị sĩ có tên Otto Bula khai ra sau khi ông này bị bắt giam vào tháng trước vì tội hối lộ và làm giàu bất hợp pháp với cáo buộc là đã nhận 4,6 triệu USD từ tập đoàn Odebrecht để đổi lại sự ủng hộ trong một hợp đồng xây dựng một con đường.

Phát biểu tại một buổi họp báo về vấn đề trên, ông Martinez cho biết một phần của số tiền 4,6 triệu USD trên đã được dùng trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Santos.

Theo ông này, hiện Viện Kiểm sát Colombia chưa có bằng chứng về việc giao tiền, tuy nhiên ông Otto Bula đã cung cấp thông tin về cách thức, thời gian và địa điểm giao tiền, đồng thời Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ thực hiện công việc xác minh.

Hiện giám đốc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Santos, Roberto Prieto đã phủ nhận hoàn toàn những cáo buộc từ ông Bula, ngoài ra Quốc vụ khanh phụ trách Minh bạch của Phủ tổng thống Colombia Camilo Enciso cũng khẳng định những cáo buộc trên là sai lầm.

Trong khi đó, tại Brazil, cựu Chủ tịch Hạ viện nước này Eduardo Cunha, người bị bãi nhiệm vì cáo buộc nhận 5 triệu USD tiền hối lộ trong vụ bê bối của tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras, đã tố cáo Tổng thống Brazil Michel Temer là mắt xích quan trọng trong vụ tham nhũng khổng lồ này.

Báo chí Brazil đưa tin ông Cunha đã khai với cơ quan điều tra về việc ông Temer tham dự cuộc họp để chọn người bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc Petrobras.

Người này sau đó đã chuyển tiền tham nhũng cho đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB) cầm quyền hiện nay, trong đó cả ông Cunha và ông Temer đều là thành viên.

Ông Cunha là người đứng đằng sau vụ phế truất cựu Tổng thống Dilma Rousseff và là đồng minh rất thân cận của ông Temer. Cho tới thời điểm hiện tại, nhiều lãnh đạo Petrobras đã khai báo với cơ quan điều tra về việc ông Temer cùng đảng PMDB nhận tiền hối lộ của tập đoàn này.

Odebrecht là tâm điểm của vụ bê bối khổng lồ ở tập đoàn dầu khí Petrobras của Brazil, gây chấn động chính trường quốc gia Nam Mỹ này kể từ tháng 3/2014.

Hơn 100 cá nhân đã bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu của nước này. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sĩ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra.

Theo cảnh sát, đường dây này đã dùng khoảng 4 tỷ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục