Chủ động từ sớm, từ xa, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân

Bí thư Trung ương Đảng Đỗ Văn Chiến nêu rõ, ngành Y tế cần kế hoạch chủ động từ sớm, từ xa; không để bị động, bất ngờ, đáp ứng cao nhất yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong mọi tình huống.
Chủ động từ sớm, từ xa, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết)

Ngày 31/3, Ban Cán sự đảng Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến dự và phát biểu chỉ đạo.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Ban cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ Y tế, các đảng bộ, chi bộ trực thuộc và các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế; đại diện các ban, bộ ngành Trung ương dự hội nghị.

Hoàn thành hầu hết các mục tiêu trong Chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân

Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ Y tế đã đạt được những thành tựu quan trọng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Hệ thống chính sách, pháp luật về y tế ngày càng được hoàn thiện.

Mạng lưới cơ sở y tế phát triển rộng khắp. Hầu hết các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân qua từng giai đoạn đã hoàn thành. Dịch bệnh được khống chế. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, tiếp cận được hầu hết các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.

Bộ Y tế đã tổ chức quán triệt thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng an ninh nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bộ phối hợp với các Bộ Quốc phòng, Công an và các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện tốt công tác phát triển y tế, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khu vực trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Mối quan hệ chặt chẽ giữa lực lượng y tế nhân dân với lực lượng vũ trang, tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng tiềm lực y tế phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, an ninh quốc gia; sẵn sàng ứng phó với thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, các tình huống khẩn cấp.

Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng triển khai công tác kết hợp quân dân y xây dựng tiềm lực y tế-quốc phòng trong khu vực phòng thủ. Xây dựng lực lượng dự bị động viên y tế, lực lượng huy động ngành y tế là một giải pháp mang tính chiến lược trong việc xây dựng tiềm lực y tế-quân sự trong khu vực phòng thủ, nhằm đáp ứng hiệu quả, kịp thời cho tình huống chiến tranh, đáp ứng về y tế khắc phục hậu quả thiên tai thảm hoạ, dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp về y tế.

[Chăm sóc sức khỏe nhân dân toàn diện, không chỉ dừng ở khám, chữa bệnh]

Quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, hai Bộ Y tế và Quốc phòng đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình kết hợp quân-dân y với nội dung: "Kết hợp quân-dân y xây dựng nền quốc phòng toàn dân và phục vụ sức khỏe nhân dân."

Chương trình đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả quân y, dân y trong việc củng cố y tế cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, hải đảo - những địa bàn trọng điểm quốc phòng-an ninh; tạo mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh phong phú, đa dạng, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng tiềm lực y tế-quân sự địa phương trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố...

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá toàn diện tình hình, làm rõ những ưu điểm, kết quả nổi bật, những hạn chế khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ; xác định phương hướng, nhiệm vụ những năm tiếp theo, gắn với đặc thù công tác y tế, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Chính phủ, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng đối với Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đáp ứng cao nhất yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân

Chỉ đạo hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng Đỗ Văn Chiến khẳng định: Nghị quyết số 28-NQ/TW là một Nghị quyết đặc biệt quan trọng, định hướng những vấn đề cơ bản về mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

10 năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động lớn, phức tạp, song toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết một lòng, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành Y tế đóng góp công sức to lớn trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành Y tế đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, dấn thân nơi tâm dịch, "đổ mồ hôi, sôi nước mắt,” làm việc quên mình, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chiến đấu ngoan cường, vượt qua đại dịch COVID-19.

Chủ động từ sớm, từ xa, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ảnh 2Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu. (Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết)

Thay mặt Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI của Trung ương, Bí thư Trung ương Đảng Đỗ Văn Chiến ghi nhận, biểu dương, chúc mừng những kết quả quan trọng ngành Y tế đã đạt được.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Chiến, bên cạnh những thành tích đã đạt được, hoạt động của ngành Y tế vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm. Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ cần vận dụng tốt bài học kinh nghiệm rút ra, tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, đề ra nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, phù hợp, phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ.

Bí thư Trung ương Đảng Đỗ Văn Chiến nêu rõ: Thời gian tới, ngành Y tế cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ thuận lợi, khó khăn để có phương án, kế hoạch chủ động từ sớm, từ xa; không để bị động, bất ngờ, đáp ứng cao nhất yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong mọi tình huống, trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, đảm bảo quốc phòng-an ninh là trọng yếu thường xuyên.

Ban cán sự đảng Bộ Y tế, các cấp ủy, tổ chức Đảng trong ngành cần tăng cường hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững sự đoàn kết thống nhất; đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa," phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đề cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy các cấp; tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Xây dựng tổ chức Đảng toàn ngành trong sạch vững mạnh là điều kiện tiên quyết để ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Trung ương về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, ông Đỗ Văn Chiến gợi mở.

Bên cạnh đó, ngành Y tế cần tiếp tục nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Bên cạnh kịp thời triển khai Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi); các nghị quyết, nghị định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ngành Y tế và công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, ngành tăng cường giáo dục kiến thức quốc phòng, an ninh, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ngành cần chủ động, tích cực tham mưu hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, giải quyết các "nút thắt" để phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của công tác quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống. Trước mắt, cần tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 4/3/2023 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế; có kế hoạch quan tâm hơn đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, khu vực trọng điểm về quốc phòng an ninh.

Đồng thời, Bí thư Trung ương Đảng Đỗ Văn Chiến lưu ý ngành Y tế cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng, chính trị, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy, phát huy lòng yêu ngành, yêu nghề, khích lệ tinh thần dấn thân phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế; có hình thức khen thưởng, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Xây dựng toàn ngành Y tế là một khối đoàn kết thống nhất, chia sẻ khó khăn, hợp tác chặt chẽ để phát triển vững mạnh là góp phần xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, tăng cường tiềm lực quốc phòng, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nhân dịp này, Bí thư Trung ương Đảng Đỗ Văn Chiến đề nghị các cấp uỷ Đảng, Mặt trận  Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp hành động, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để ngành y tế hoàn thành sứ mệnh cao cả.

"Bảo vệ, chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân là việc làm thiết thực nâng cao trí tuệ, thể trạng, chất lượng nguồn nhân lực của đất nước ta. Có như vậy mới hoàn thành được hai nhiệm vụ chiến lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay," Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh.

Dịp này, 10 tập thể, 18 cá nhân đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Y tế vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, giai đoạn 2013-2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục