Chứng khoán châu Á đồng loạt đi lên nhờ hy vọng đàm phán Nga-Ukraine

Hy vọng về một cuộc đàm phán hòa bình đã phần nào “tiếp sức” cho các thị trường, vốn đang bị biến động mạnh khi chiến dịch đặc biệt của Nga liên quan tới Ukraine diễn ra trong hai tuần qua.
Chứng khoán châu Á đồng loạt đi lên nhờ hy vọng đàm phán Nga-Ukraine ảnh 1Bảng điện tử thông báo chỉ số KOSPI tăng điểm tại ngân hàng Hana ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh minh họa: YONHAP/TTXVN)

Thị trường chứng khoán châu Á “nối gót” đã tăng mạnh trên Phố Wall và châu Âu trong phiên ngày 10/3 trong bối cảnh giá dầu và hoạt động mua hàng do căng thẳng Nga-Ukraine gây ra đã giảm xuống.

Hy vọng về một cuộc đàm phán hòa bình đã phần nào “tiếp sức” cho các thị trường, vốn đang bị biến động mạnh khi chiến dịch đặc biệt của Nga liên quan tới Ukraine diễn ra trong hai tuần qua.

Tuy vậy, các nhà bình luận khuyến cáo vẫn nên thận trọng trong thời điểm có nhiều bất ổn, trong đó một số cảnh báo rằng giá dầu thô chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong một thời gian và nguồn dự trữ tiếp tục giảm.

[Nhóm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán trở lại “đường đua”]  

Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 3,9%, mức tăng lớn nhất tính theo ngày trong 21 tháng qua, lên 25.690,40 điểm.

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong tăng 1,3% lên 20.890,26 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải tăng 1,2% lên 3.296,09 điểm.

Chứng khoán Seoul, Mumbai tăng hơn 2%. Chứng khoán Sydney, Singapore, Manila và Wellington tăng hơn 1%, còn chứng khoán Jakarta và Bangkok cũng giao dịch trong vùng dương.

Trước đó tại Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2%, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng ấn tượng 3,6%, còn chỉ số S&P 500 cũng tăng cao.

Các nhà phân tích cho rằng mức tăng này có được là nhờ các kế hoạch liên quan đến năng lượng xanh và năng lượng tái tạo, quốc phòng và trợ cấp cho chi phí năng lượng tăng vọt của các chính phủ.

Tuy nhiên, động lực chính của đà tăng này là giá dầu giảm mạnh, điều giúp các nhà giao dịch giảm bớt lo lắng về việc lạm phát vốn đã cao lại còn tăng cao hơn nữa.

Giá dầu Brent đã có thời điểm giảm xuống mức 105,60 USD/thùng, sau khi đạt đỉnh 139 USD hai phiên trước đó, với hy vọng rằng lượng dầu khổng lồ của Nga bị “cắt” khỏi thị trường bởi các lệnh trừng phạt có thể được thay thế bằng nguồn cung ứng từ nơi khác.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 9/3 cho biết sẽ kêu gọi các quốc gia thành viên trong Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng, trong khi các cuộc đàm phán của Mỹ với quốc gia sản xuất dầu Venezuela dường như đang đạt được tiến triển.

Cùng lúc đó, Iraq cho biết nước này có thể nâng sản lượng và các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran cũng đang có dấu hiệu khả quan.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 0,3% lên 1.479,08 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,68% lên 447,64 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục