Công bố báo cáo tác động của dòng kiều hối vào Việt Nam

Công bố báo cáo tác động của dòng kiều hối chính thức vào Việt Nam

Lượng kiều hối chính thức vào Việt Nam hàng năm tăng trưởng trung bình 38,6% với tổng giá trị khoảng 80,38 tỷ USD trong giai đoạn 1991-2013.
Công bố báo cáo tác động của dòng kiều hối chính thức vào Việt Nam ảnh 1Tiến sĩ Võ Trí Thành trong buổi công bố báo cáo tác động dòng kiều hối với kinh tế-xã hội Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lượng kiều hối chính thức vào Việt Nam hàng năm tăng trưởng trung bình 38,6% với tổng giá trị khoảng 80,38 tỷ USD trong giai đoạn 1991-2013. Dòng vốn này tăng trưởng cao trong giai đoạn 2000-2007 và sụt giảm trong giai đoạn 2007-2017, với tổng mức giá trị dao động tương đương gần 8% GDP cả nước.

Trong suốt khoảng thời gian từ 1991-2013, lượng kiều hối chắc chắn có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển tích cực của kinh tế xã hội Việt Nam, nhưng Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng ông "thực sự bất ngờ khi nhận thấy mức độ quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng của nguồn lực kinh tế này với mọi mặt trong đời sống người dân.”

Bản tóm tắt “Nghiên cứu về toàn cảnh kiều hối tại Việt Nam và những đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước,” do CIEM thực hiện với sự tài trợ của công ty chuyển tiền hàng đầu thế giới Western Union, được công bố hôm 17/12 đã phác thảo những nét cơ bản và các phân tích tác động cụ thể của dòng kiều hối vào Việt Nam.

Công bố báo cáo tác động của dòng kiều hối chính thức vào Việt Nam ảnh 2Lượng lao động xuất khẩu đông đảo của Việt Nam tạo nên nguồn kiều hối không nhỏ cho đất nước. (Ảnh: TTXVN)

Theo nghiên cứu, trong giai đoạn 2007-2013, tổng kiều hối vào là nguồn vốn lớn thứ 2 tại Việt Nam (sau tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thực hiện) và lớn hơn cả vốn viện trợ phát triển chính thức ODA đã giải ngân. Đặc biệt, trong giai đoạn 2004-2006, kiều hối là nguồn vốn lớn nhất của đất nước.

Bên cạnh đó, kiều hối tại Việt Nam còn đóng vai trò quan trọng trong việc bù đắp vào các khoản thâm hụt tài khoản vãng lai quốc gia bằng cách hấp thu nguồn thâm hụt thương mại khổng lồ (đặc biệt là trước năm 2012) và bù vào các khoản thâm hụt thu nhập đầu tư.

Kiều hối đã giúp Việt Nam tích dự trữ ngoại hối, nhất là trong 2-3 năm vừa qua.

Bản báo cáo nhận định, theo những giả thiết khác nhau (dựa trên tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu, tỷ giá VND/USD), cả ba trường hợp đều cho thấy tổng số tiền kiều hối vào Việt Nam năm 2015 và 2016 sẽ tăng so với con số 11 tỷ USD năm 2013. Tuy nhiên, đến năm 2017, dòng tiền kiều hối sẽ bắt đầu giảm nhẹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục