Công bố Top 10 công ty sản xuất dược phẩm uy tín năm 2021

Các chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report đánh giá triển vọng tăng trưởng của ngành dược trong năm 2022 sẽ có nhiều tín hiệu tích cực hơn so với năm 2021.
Công bố Top 10 công ty sản xuất dược phẩm uy tín năm 2021 ảnh 1Top 10 Công ty sản xuất dược uy tín năm 2021. (Nguồn: Vietnam Report)

Ngày 14/12, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 công ty sản xuất dược phẩm uy tín năm 2021. Bảng xếp hạng được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan.

Các công ty được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính là năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất; uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng và qua kết quả hảo sát các đối tượng liên quan được thực hiện trong tháng 11 năm 2021.

Danh sách Top 10 công ty sản xuất dược phẩm uy tín năm 2021 theo đánh giá của Vietnam Report bao gồm: Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty cổ phần Traphaco, Công ty cổ phần Pymepharco, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco, Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sanofi Aventis Việt Nam, Công ty cổ phần Dược-Trang thiết bị Y tế Bình Định, Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây, Công ty cổ phần Dược phẩm OPC và Công ty cổ phần Dược phẩm TV.Pharm.

Công bố Top 10 công ty sản xuất dược phẩm uy tín năm 2021 ảnh 2Top 10 Công ty phân phối, kinh doanh dược phẩm; trang thiết bị, vật tư y tế Việt Nam uy tín năm 2021. (Nguồn: Vietnam Report)

Cùng với đó là Top 10 công ty phân phối, kinh doanh dược phẩm; trang thiết bị, vật tư y tế Việt Nam uy tín năm 2021 gồm Công ty cổ phần Vaccine Việt Nam, Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2, Tổng Công ty Dược Việt Nam-Công ty cổ phần, Công ty cổ phần Dược phẩm Thiết bị Y tế Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn B.BRAUN Việt Nam, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dược Sài Gòn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dược phẩm Khương Duy, Tổng Công ty cổ phần Y tế Danameco, Công ty cổ phần Dược-Thiết bị Y tế Đà Nẵng

Đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu đã cho thấy tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe và ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe. Đó không chỉ là tầm quan trọng của ngành dược phẩm và các loại thuốc cải tiến để đảm bảo an toàn và an ninh toàn cầu, mà còn bộc lộ những lỗ hổng trong nền kinh tế toàn cầu; trong đó, có cả dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Trước tác động của đại dịch, ngành dược cũng gặp những khó khăn nhất định khi đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu và vận chuyển tăng cao, sự thay đổi thói quen, nhu cầu sử dụng thuốc cùng với đó là việc thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch bệnh của Chính phủ và người dân cũng hạn chế đến các cơ sở điều trị bệnh đã làm cho thị trường dược phẩm bị trì trệ nặng nề.

[Công bố VNR500 - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2021]

Tuy nhiên, ngoài những tác động tiêu cực, đại dịch cũng mở ra cơ hội lớn thúc đẩy các doanh nghiệp trong ngành dược tái cấu trúc hoạt động và chuỗi cung ứng, số hóa các quy trình, tăng cường quản trị rủi ro, chuẩn bị sẵn sàng cho thời kỳ bình thường tiếp theo.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report gần đây với các doanh nghiệp ngành dược về tác động của COVID-19 trong năm 2021 cho thấy, 57,14% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh xấu đi một chút; 14,29% doanh nghiệp đánh giá không bị ảnh hưởng và chỉ có 7,14% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh tốt hơn một chút.

Trong làn sóng COVID-19 lần thứ tư, khi nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội đã có nhiều doanh nghiệp ngành dược vẫn đạt công suất từ 100-120%, thậm chí gần 140%, nhưng cũng có những doanh nghiệp lại có kết quả kinh doanh thụt lùi, do phải đóng cửa, tạm ngưng sản xuất và chỉ đạt công suất từ 60-80%.

Bức tranh kinh doanh của ngành dược trong quý 3/2021 cũng có sự phân hóa rõ nét với hơn 20 doanh nghiệp dược niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính và có khoảng 50% doanh nghiệp đạt tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2020.

Trước những cơ hội và thách thức của ngành dược, các chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report đánh giá triển vọng tăng trưởng của ngành dược trong năm 2022 sẽ có nhiều tín hiệu tích cực hơn so với năm 2021.

Công bố Top 10 công ty sản xuất dược phẩm uy tín năm 2021 ảnh 3Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nếu như kết quả khảo sát về triển vọng của ngành dược trong năm 2021 được đánh giá là khó có những đột phá, phân hóa giữa các doanh nghiệp, thì kết quả khảo sát gần đây của Vietnam Report về triển vọng năm 2022 đã nổi bật về triển vọng tích cực hơn so với năm 2021. 62,50% chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá tăng trưởng sẽ khả quan, tốt hơn một chút, 12,50% lựa chọn tăng trưởng mạnh, tốt hơn nhiều và chỉ có 6,25% đánh giá tăng trưởng sẽ thấp hơn một chút so với năm 2021.

Đánh giá động lực và tiềm năng tăng trưởng của ngành Dược trong năm 2022, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report nhận định, đánh giá được những yếu tố tác động từ bên ngoài lẫn bên trong ảnh hưởng tới ngành dược sẽ giúp cho các doanh nghiệp khai thác được lợi thế tiềm năng, giảm thiểu rủi ro và đưa ra chiến lược quản trị phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Vietnam Report đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp dược đưa trên một số tiêu chí như khả năng kiểm soát dịch bệnh; biến động nguyên vật liệu đầu vào; cạnh tranh thị phần giữa các doanh nghiệp; các quy định, chính sách quản lý chất lượng về giá và quản lý trong ngành dược; tâm lý người tiêu dùng; khả năng hồi phục của nền kinh tế; các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết và hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) trong ngành này.

Trong các yếu tố liệt kê trên, có những yếu tố tạo động lực thúc đẩy nhưng cũng có những yếu tố tạo rào cản, thách thức cho sự tăng trưởng của ngành dược trong thời gian tới.

Cùng với đó, báo cáo cũng đánh giá một số yếu tố nội tại như tốc độ ứng phó và sự thích ứng của doanh nghiệp trong thời kỳ có nhiều biến động; hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm; tiềm lực tài chính của doanh nghiệp; khả năng quản lý rủi ro trong doanh nghiệp; việc tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ và cải tiến quy trình vận hành; hoạt động marketing của doanh nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực; văn hóa doanh nghiệp...

Theo kết quả đánh giá của chuyên gia và doanh nghiệp dược, khả năng kiểm soát dịch bệnh vẫn là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh dược trong năm tới.

Mặc dù dịch bệnh hiện nay vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện thêm những chủng mới nhưng với việc Chính phủ thúc đẩy hoàn thành bao phủ vaccine vào cuối năm 2021, bổ sung gói kích thích kinh tế mới, chuyển chiến lược từ Zero COVID sang “sống chung an toàn với dịch” theo Nghị quyết 128/NQ-CP sẽ giúp cho nền kinh tế nói chung và ngành dược nói riêng phục hồi và tạo đà tăng trưởng trong năm 2022./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục