Cộng đồng ASEAN giúp nâng cao vai trò của các nước thành viên

Người dân trong khu vực ASEAN mong muốn Cộng đồng tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân và các quốc gia thành viên.
Cộng đồng ASEAN giúp nâng cao vai trò của các nước thành viên ảnh 1Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ chính thức được thành lập vào 31/12 tới. (Nguồn: dreamstime.com)

Người dân trong khu vực Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chào đón sự ra đời của Cộng đồng ASEAN và mong muốn Cộng đồng tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân và các quốc gia thành viên.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Indonesia đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại ASEAN Nguyễn Hoành Năm.

Dự báo về Cộng đồng ASEAN sau thời điểm hình thành đến 10 năm tiếp theo, Đại sứ Nguyễn Hoành Năm cho biết do Cộng đồng ASEAN là một tiến trình liên tục, nên ngay sau khi tuyên bố thành lập Cộng đồng, các nhà Lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tầm nhìn ASEAN 2025 để vạch kế hoạch phát triển cho khu vực trong 10 năm tiếp theo.

Đại sứ cho rằng hiện có lẽ còn khá sớm để nói về Cộng đồng ASEAN năm 2025, nhưng cơ bản có thể hình dung đây là một bước phát triển tiếp nối mới của ASEAN trên cơ sở củng cố và nhân lên những thành quả đã đạt được hiện nay.

Trong bối cảnh của tình hình mới ở khu vực cũng như trên thế giới trong thời gian tới, ASEAN sẽ hướng tới một số định hướng chính: Nâng cao hơn nữa tầm mức liên kết trong ASEAN và hợp tác của ASEAN với các đối tác; Đề cao và tăng cường yếu tố luật lệ trong các hoạt động của ASEAN; Tạo điều kiện để người dân tham gia và đóng góp vào tiến trình xây dựng và thực thi quyết sách của ASEAN, đồng thời được hưởng lợi nhiều hơn từ sự tham gia của mình; Nâng cao khả năng tự cường của ASEAN trong ứng phó và xử lý những thách chức và biến động bất thường; Thúc đẩy một ASEAN phát triển bền vững; Củng cố và nâng cao hơn nữa vị trí của ASEAN trong khu vực và trên thế giới; Tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.

Trước câu hỏi có luồng ý kiến cho rằng nhận thức của người dân, doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ về một cộng đồng chung và ASEAN khó đạt được những thực chất mang lại lợi ích cụ thể cho người dân, Đại sứ Nguyễn Hoành Năm cho biết Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và người dân các nước ASEAN. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội là những thách thức không nhỏ. Một trong những thách thức đó là tăng cường nhận thức của người dân, của doanh nghiệp trong việc tham gia Cộng đồng. Người dân và các doanh nghiệp sẽ trực tiếp tham gia, thực hiện các kế hoạch của cộng đồng. Vì vậy chỉ khi họ nhận thức rõ về Cộng đồng ASEAN, những lợi ích, những cơ hội và thách thức do cộng đồng mang lại thì họ mới có thể tận dụng được các cơ hội và có biện pháp xử l​ý các thách thức và việc triển khai mới hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực.

Theo Đại sứ, việc tăng cường nhận thức của người dân và các doanh nghiệp về cộng đồng ASEAN là hết sức cần thiết trong tiến trình xây dựng một ASEAN ngày càng liên kết, một ASEAN hướng về người dân, lấy người dân làm trung tâm. Hiện nay, các nhà hoạch định chính sách của ASEAN nhận thức rõ điều này và đang coi đây là một trong ưu tiên cần đẩy mạnh trong thời gian tới.

Đại sứ Nguyễn Hoành Năm cũng cho biết nhiệm vụ trọng tâm của ASEAN trong những năm tới là xây dựng và triển khai các kế hoạch cụ thể trên tinh thần của Tầm nhìn 2025. Một trong những yêu cầu đặt ra là làm sao để nâng cao hơn nữa năng lực thể chế của ASEAN để triển khai có hiệu quả. Trong tình hình đó và đặc biệt năm 2016 sẽ là năm đầu tiên ASEAN bước vào thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025, với vai trò là “cơ quan điều phối cấp khu vực.”

Ủy ban các Đại diện thường trực tại ASEAN (CPR) sẽ tập trung vào một số trọng tâm như phối hợp xây dựng, theo dõi và thúc đẩy tiến độ thực thi các chương trình, biện pháp thực hiện Tầm nhìn 2025 và phát hiện các trở ngại, điểm nghẽn để báo cáo và đề xuất hướng xử lý lên các cấp liên quan; Đẩy mạnh quá trình cải tiến bộ máy, nâng cao năng lực và phương thức hoạt động cho các cơ quan của ASEAN, trong đó có Ban Thư ký, nhằm đáp ứng các yêu cầu trong giai đoạn hội nhập mới; Tích cực tìm kiếm nguồn lực cho quá trình xây dựng Cộng đồng, trong đó có việc khuyến khích sự tham gia của người dân và các nước đối tác.

Theo Đại sứ, đối với Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN, bên cạnh những công việc trên, Phái đoàn sẽ tập trung làm tốt công tác thông tin, dự báo tình hình về khu vực, về ASEAN để từ đó tham mưu, khuyến nghị chính sách của Việt Nam trong tham gia và đóng góp cho ASEAN trong tình hình mới của hội nhập hiện nay, chú trọng thúc đẩy và gắn kết những lợi ích, ưu tiên của Việt Nam vào lợi ích chung của ASEAN trong quá trình xây dựng các biện pháp cụ thể triển khai Tầm nhìn 2025 và các Kế hoạch tổng thể trên 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa xã hội. Bên cạnh đó, tích cực phát huy vai trò “cầu nối” thông tin và hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và cá nhân quan tâm tham gia hoạt động của ASEAN, nhất là các chương trình, dự án hợp tác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục