Cựu Đô đốc hải quân Mỹ: Tàu ngầm hạt nhân AUKUS làm thay đổi cuộc chơi

Cựu Đô đốc hải quân Mỹ Harry Harris nhận định, tàu ngầm hạt nhân giúp Australia nâng cao năng lực bảo vệ các tuyến vận tải quan trọng qua Eo biển Malacca, Eo biển Hormuz và Bab el-Mandeb.
Cựu Đô đốc hải quân Mỹ: Tàu ngầm hạt nhân AUKUS làm thay đổi cuộc chơi ảnh 1Cựu Đô đốc hải quân Mỹ Harry Harris. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 17/11, cựu Đô đốc hải quân Mỹ Harry Harris đánh giá các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ làm “thay đổi cuộc chơi," cho phép Australia bảo vệ dòng chảy dầu lửa và các mặt hàng nhập khẩu quan trọng khác của nước này từ châu Á, châu Mỹ và châu Âu cũng như mở rộng phạm vi quân sự của Australia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong khi chiếc tàu ngầm đầu tiên được đóng trong khuôn khổ hiệp ước quốc phòng ba bên AUKUS dự kiến sẽ chỉ được hoàn thành vào năm 2040, cựu Đô đốc Harris nói ông tin rằng khung thời gian này có thể được "rút ngắn" nếu Mỹ, Anh và Australia "hoàn toàn cam kết."

Ông Harris cho rằng Australia cần tăng cường khả năng bảo vệ các tuyến vận tải quan trọng qua Eo biển Malacca, Eo biển Hormuz và Bab el-Mandeb, nơi tàu thuyền từ kênh đào Suez đi vào Ấn Độ Dương, và tàu ngầm hạt nhân đem lại cho nước này năng lực đó.

Trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan, cựu Đô đốc Harris khẳng định Mỹ có đủ khả năng bảo vệ hòn đảo. Ông cũng đánh giá Bắc Kinh sẽ không thách thức điều này trong thời gian ngắn

[Pháp dự định tái khởi động hợp tác với Mỹ sau căng thẳng AUKUS]

Tuy nhiên, ông Harris cho biết các vụ phóng tên lửa siêu vượt âm của Trung Quốc và Nga gần đây là đáng báo động.

Ông Harris nói, cách duy nhất mà Mỹ có thể ngăn chặn lợi thế quân sự của mình bị xói mòn theo thời gian là tiếp tục đầu tư vào các năng lực mới. Và đó là lý do tại sao việc phát triển lực lượng tàu ngầm hạt nhân đối với Australia lại rất quan trọng.

Cựu Đô đốc Harris, người từng phục vụ dưới thời Tổng thống Donald Trump với tư cách là Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, nhấn mạnh cả Washington và Bắc Kinh đều không muốn "một cuộc chiến tranh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương," nhưng hiện cả hai đều bất đồng về cách tiếp cận trật tự quốc tế.

Trong khi đó, chuyên gia an ninh hàng đầu của Australia, Giáo sư Rory Medcalf cho rằng, các tàu ngầm hạt nhân trong khuôn khổ AUKUS sẽ cho phép Canberra bảo vệ tốt hơn các lợi ích hàng hải của mình và có tính độc lập cao hơn trong một khu vực rộng lớn hơn.

Điều này cũng sẽ cho phép Australia đóng góp nhiều hơn vào quan hệ đồng minh với Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục