Cứu sống bé trai sơ sinh bị nhiều dị tật trong đường tiêu hóa

Tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhi 3 ngày tuổi, các bác sỹ phát hiện ổ bụng của bệnh nhi chứa nhiều sữa, trong đó gồm sữa mới và sữa cũ đã vón cục có màu vàng giống phân.
Cứu sống bé trai sơ sinh bị nhiều dị tật trong đường tiêu hóa ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết đến ngày 15/4, tình trạng sức khỏe của bé trai (20 ngày tuổi, trú tại thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) bị sinh non, nhẹ cân, dị tật thủng dạ dày, tắc tá tràng bẩm sinh đã qua cơn nguy kịch, chỉ số sinh tồn ổn định.

Bé bú tốt, tiêu hóa được và sẽ xuất viện trong 2 ngày tới.

Trước đó, thai phụ N.T.H (quê Thanh Hóa, trú tại thành phố Biên Hòa), sinh con khi đang mang thai 33,5 tuần, nặng 2,1kg (nhẹ cân).

Sau khi sinh được 3 ngày, bé trai bắt đầu bú giảm, ọc sữa nên được nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Tại đây, các bác sỹ đã thăm khám, làm các xét nghiệm và chẩn đoán bé bị thủng đường tiêu hóa, chỉ định phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp.

Tiến hành phẫu thuật, các bác sỹ phát hiện ổ bụng của bệnh nhi chứa nhiều sữa, trong đó gồm sữa mới và sữa cũ đã vón cục có màu vàng giống phân.

Bên cạnh đó, thành ruột non viêm sưng do ngâm trong ổ bụng chứa nhiều chất bẩn cùng chất tiết axit dạ dày và một vết rách lớn trên dạ dày, đường kính khoảng 4cm.

Các bác sỹ đã vệ sinh toàn bộ ổ bụng cho bệnh nhi, cắt lọc mép rách dạ dày và khâu lại vết rách. Tuy nhiên, khi kiểm tra lại, các bác sĩ phát hiện dạ dày căng hơi, nghi bị nghẹt lối ra.

Qua kiểm tra lần 2, các bác sỹ phát hiện bệnh nhi mắc thêm dị tật tắc tá tràng bẩm sinh đoạn thứ II type 3A (ruột mất liên tục kiểu 2 đầu tận là túi cùng).

[Cảnh báo nhiều nguy cơ khi coi nhẹ tầm soát thai định kỳ]

Các bác sỹ buộc phải thực hiện ca phẫu thuật tiếp theo nối các đoạn tá tràng bị đứt lại với nhau làm thông tá tràng. Sau 3 giờ phẫu thuật, ca mổ đã kết thúc thành công.

Bác sỹ Vũ Công Tầm, Trưởng Khoa Phẫu thuật gây mê-hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết đây là một ca mổ rất đặc biệt, ca mổ quá dài cho một bé sơ sinh mới chỉ 3 ngày tuổi.

Trường hợp này, bệnh nhi được cứu sống một cách ngoạn mục do đường tiêu hóa của bé có nhiều miệng nối, đặc biệt là vị trí tá tràng rất khó phẫu thuật mà dễ bị xì rò, ca mổ lại kéo dài.

Hơn nữa, bé sinh non, nhẹ cân, ổ bụng nhiễm bẩn do thức ăn và dịch tiêu hóa nên giai đoạn hồi sức sau mổ được tiên đoán rất khó khăn.

Tuy nhiên, bằng các biện pháp hồi sức tích cực với kháng sinh liều cao, nuôi ăn tĩnh mạch toàn phần, cung cấp năng lượng, hỗ trợ hô hấp, giường nôi có sưởi ấm…, bệnh nhi đã hồi phục như mong đợi của các bác sỹ và sẽ sớm được xuất viện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục