Đà Nẵng nỗ lực chặn chuỗi lây nhiễm, Đồng Nai chốt chặt các cửa ngõ

Đà Nẵng huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng tuyến đầu quyết tâm kiểm soát dịch tại các điểm nóng; Đồng Nai lập 22 chốt kiểm soát ở các cửa ngõ để kiểm soát người ra-vào từ các vùng có dịch.
Đà Nẵng phun khử khuẩn tại các khu vực nóng có ca dương tính. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Đà Nẵng phun khử khuẩn tại các khu vực nóng có ca dương tính. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Chiều 24/6, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng đã họp bàn về các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

Ông Phan Văn Sơn, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho hay, tính từ 13 giờ ngày 23/6 đến 13 giờ ngày 24/6, Đà Nẵng ghi nhận thêm 8 trường hợp dương tính lần 1 với SARS-CoV-2. Trong đó, 5 trường hợp có địa chỉ tại khu tam giác Lê Duẩn-Hoàng Hoa Thám-Lý Thái Tổ; các ca này trước đó đều có kết quả xét nghiệm âm tính 1-2 lần với SARS-CoV-2.

Như vậy, trong 7 ngày qua (tính từ ngày 18/6 đến nay) Đà Nẵng ghi nhận thêm 67 trường hợp dương tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Những trường hợp mắc COVID-19 này đều có nguồn lây liên quan đến BN12437 (trú tại 407, đường Lê Duẩn, quận Thanh Khê), nhân viên bảo vệ Công ty Nhựa Duy Tân (số 145 đường Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê).

Trong ngày 24/6, Đà Nẵng đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho 4.794 lượt người (tính từ ngày 18/6 đến nay Đà Nẵng xét nghiệm cho 35.367 lượt người); hoàn thành tiêm vaccine đợt 3 cho 24.713 người.

Ông Phan Văn Sơn nhận định, chuỗi lây nhiễm tập trung trong khu vực tam giác Lê Duẩn-Hoàng Hoa Thám-Lý Thái Tổ. Nếu các cơ quan chức năng quản lý, giám sát chặt chẽ khu vực điểm "nóng" tam giác, xét nghiệm sàng lọc theo định kỳ, thực hiện kiểm soát từ vòng ngoài, thời gian tới, Đà Nẵng có thể kiểm soát được dịch bệnh.

Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đề nghị Ủy ban Nhân dân quận Thanh Khê huy động toàn hệ thống chính trị, lực lượng tuyến đầu quyết tâm kiểm soát dịch tại khu tam giác; trong đó, bổ sung lực lượng Công an phối hợp với các lực lượng khác để giám sát công tác phòng, chống dịch của người dân trong khu vực cách ly này.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng Tôn Thất Thạnh cho hay, đơn vị vừa nhận thông tin từ Thành phố Hồ Chí Minh xác minh về trường hợp một người giao hàng dương tính với SARS-CoV-2 đến thành phố Đà Nẵng vào 1 giờ ngày 11/6, không phải ngày 10/6 (trường hợp gây ra chuỗi lây nhiễm mới tại thành phố Đà Nẵng).

Ông Tôn Thất Thạnh đề nghị quận Thanh Khê, kiểm soát chặt tại các điểm "nóng" dịch bệnh, trong đó thực hiện xét nghiệm sàng lọc tại khu vực tam giác; hỗ trợ nhu yếu phẩm đầy đủ cho khu vực cách ly.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đề nghị các cơ quan chức năng, địa phương tăng cường giám sát tại khu vực tam giác dịch Lê Duẩn-Hoàng Hoa Thám-Lý Thái Tổ; quận Thanh Khê cử lực lượng Công an phối hợp với các đơn vị kiểm soát dịch tại đây; lập chốt mới trên đường cao tốc, chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực đầy đủ tại chốt mới; giám sát chặt xe chở hàng hóa vào thành phố; tổ chức thanh kiểm tra ở các khu công nghiệp…

[116 ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận trong chiều 24/6]

Cùng ngày tại Đồng Nai, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn làm Trưởng đoàn đã làm việc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại hai công ty, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và khu nhà trọ của công nhân.

Đà Nẵng nỗ lực chặn chuỗi lây nhiễm, Đồng Nai chốt chặt các cửa ngõ ảnh 1Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN)

Các thành viên trong Đoàn công tác đánh giá, nhìn chung các đơn vị đều tuân thủ quy định đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại khu nhà trọ, bệnh viện, cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Sau khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch, Đoàn đã họp tại trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự họp trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, trong đợt dịch thứ 4, tỉnh ghi nhận 4 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng; đa phần có nguồn lây từ Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.

Nhận định tình hình, lãnh đạo Sở Y tế Đồng Nai cho rằng, địa phương hiện đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, với việc các địa phương giáp ranh với Đồng Nai như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương đang có tình hình dịch bệnh phức tạp, nguy cơ Đồng Nai bị lây nhiễm, bùng phát dịch, nhất là trong khu công nghiệp rất cao.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, với đặc thù là tỉnh có 32 khu công nghiệp, khoảng 1,2 triệu công nhân, thời gian qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành, thực hiện hàng loạt kế hoạch phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đã thành lập 22 chốt kiểm soát ở các cửa ngõ để kiểm soát người từ các vùng có dịch đi vào địa phương. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, hiện Đồng Nai vẫn chưa kiểm soát hết số lượng phương tiện vào tỉnh mỗi ngày.

Trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị tỉnh Đồng Nai xây dựng kịch bản để ứng phó trong tình huống dịch bệnh xảy ra phức tạp, chuẩn bị cơ sở hồi sức để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.

Đối với việc phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị tỉnh Đồng Nai tăng cường thành lập các Tổ COVID-19 trong doanh nghiệp; kiểm tra việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng dịch ở từng nhà máy; chú ý kiểm soát chặt việc đi lại của người lao động từ doanh nghiệp đến nơi lưu trú.

Cùng đó, ngành Y tế Đồng Nai cần hướng dẫn các doanh nghiệp tự lấy mẫu trong trường hợp dịch diễn biến dịch phức tạp.

Tỉnh đẩy mạnh công tác kiểm soát lượng phương tiện, tài xế từ các địa phương khác đi vào tỉnh Đồng Nai mỗi ngày, nhất là từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao tinh thần cảnh giác và các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Đồng Nai thời gian qua, đồng thời đề nghị tỉnh chủ động ngăn chặn, không để dịch xâm nhập vào địa bàn.

Đặc biệt, tỉnh kiểm soát chặt chẽ người đi từ Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương vào Đồng Nai và ngược lại nhưng phải đảm bảo không “ngăn sông cấm chợ;” đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát lượng phương tiện, người qua lại trên địa bàn mỗi ngày, đẩy mạnh khai báo y tế, đặc biệt đối với công nhân, lái xe chở hàng, lái xe đường dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục