Đa số dân Đức không tin Thổ Nhì Kỳ sẽ giúp EU trong vấn đề tị nạn

Kết quả một cuộc thăm dò cho thấy hơn 70% số người dân Đức được hỏi cho rằng việc Thổ Nhì Kỳ hỗ trợ châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư là phi thực tế.
Đa số dân Đức không tin Thổ Nhì Kỳ sẽ giúp EU trong vấn đề tị nạn ảnh 1Trẻ em trong những căn lều tạm tại Idomeni, biên giới Hy Lạp- Macedonia ngày 10/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Từ nhiều tuần nay, Thủ tướng Đức Angela Merkel đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn nhờ sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, người dân Đức không mấy tin tưởng vào việc Ankara sẽ hỗ trợ châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Kết quả một cuộc thăm dò dư luận do Viện YouGov tiến hành cho biết đa số người dân Đức được hỏi không tin vào sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ để giúp giảm lượng người tị nạn vào châu Âu. Có tới 71% số người dân Đức được hỏi cho rằng sự hỗ trợ đó của Ankara là phi thực tế, trong khi chỉ có 21% số ý kiến cho rằng châu Âu có thể hạn chế được người tị nạn nhờ sự trợ giúp của Thổ Nhĩ Kỳ.

Kết quả cuộc thăm dò được tiến hành và công bố vài ngày trước Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) dự kiến vào 17-18/3, cũng cho thấy có tới 67% số người được hỏi cho rằng khoản 6 tỷ euro mà Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu EU hỗ trợ để đổi lấy sự giúp đỡ của Ankara là không phù hợp, trong khi chỉ có 20% cho là hợp lý.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cũng sẽ tham dự hội nghị của EU trong ngày 18/3 tới để thảo luận về các đề xuất mới đây của Ankara nhằm giúp EU giải quyết khủng hoảng người tị nạn.

Ngoài các vấn đề trên, người dân Đức cũng hoài nghi khả năng đẩy nhanh tiến trình đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ làm thành viên chính thức của EU. Theo kết quả thăm dò, chỉ có 4% số người được hỏi cho rằng EU nên kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi 38% cho rằng Ankara cần phải đáp ứng thêm nhiều tiêu chí mới có thể trở thành thành viên chính thức của liên minh này. Bên cạnh đó, cũng có tới 70% số ý kiến phản đối việc xóa bỏ thị thực đối với công dân Thổ Nhĩ Kỳ muốn vào EU.

Phát biểu ngày 14/3, một ngày sau các cuộc bầu cử nghị viện bang tại Đức, Thủ tướng Merkel cũng lên tiếng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải đáp ứng mọi điều kiện, bởi sẽ không có sự đặc cách với nước này. Bà khẳng định các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về việc bảo vệ biên giới ngoài EU sẽ không gắn với việc đưa nước này trở thành thành viên EU, và Ankara cũng phải "thực sự đáp ứng mọi điều kiện" nếu muốn nới lỏng thị thực cho công dân vào EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục