Đặc phái viên LHQ lạc quan về triển vọng đạt thỏa thuận tại Libya

Ông Salame khá lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận giữa các phe phái tại Libya và nhấn mạnh thêm rằng kể từ cuộc họp ở Tunis, các phe phái đối địch tại Libya đã duy trì thường xuyên tiếp xúc.
Đặc phái viên LHQ lạc quan về triển vọng đạt thỏa thuận tại Libya ảnh 1Đặc phái viên Ghassan Salame. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 16/11 Đặc phái viên Liên hợp quốc Ghassan Salame bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận chính trị giữa các phe phái đối địch tại Libya, trong bối cảnh các cuộc đàm phán dưới sự dẫn dắt của Liên hợp quốc đạt được tiến triển đáng kể.

Phát biểu trong một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bàn về cuộc khủng hoảng Libya, ông Salame cho biết ông khá lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận giữa các phe phái tại Libya và nhấn mạnh thêm rằng kể từ cuộc họp ở Tunis, các phe phái đối địch tại Libya đã duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc. Tuy nhiên, ông Salame cũng cho rằng mặc dù đạt được nhiều tiến bộ, song vẫn còn một số điểm cần phải thống nhất.

Ngoài ra, ông Salame cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng người di cư và tị nạn bị bắt giam tại Libya mà không tuân theo quy trình pháp lý và bị tra tấn, cưỡng bức lao động và bị lạm dụng nghiêm trọng.

Cho tới nay, đã có hai cuộc họp được tổ chức tại thủ đô Tunis của Tunisia, quy tụ những đại diện đến từ hai quốc hội ở miền Đông Libya và Tripoli, nhằm thống nhất việc sửa đổi thỏa thuận Skhirat do Liên hợp quốc bảo trợ và đã được các đối thủ chính trị tại Libya ký kết vào tháng 12/2015 tại Maroc.

[Quốc hội Libya yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại khu vực phía Tây]

Một trở ngại chính trong các cuộc đàm phán ở Tunis là vị trí, vai trò của chỉ huy Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ủng hộ chính phủ ở miền Đông Libya Tướng Khalifa Haftar, cũng như việc liệu ông này có thể kiểm soát quân đội quốc gia tương lai hay không.

Libya chìm vào bất ổn kể từ sau làn sóng nổi dậy năm 2011 lật đổ cố lãnh đạo Moammar Gadhafi. Nước này bị chia cắt thành hai miền Đông-Tây với các cơ quan lập pháp và chính phủ tồn tại song song, có quân đội riêng và hoạt động theo các khuôn khổ chính trị đối lập. Ông Fayez Serraj đứng đầu Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được quốc tế công nhận.

Cuối tháng Bảy vừa qua, nhờ những nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế, Thủ tướng Serraj đại diện cho chính quyền miền Tây đã gặp Tướng Khalifa Haftar chỉ huy quân đội ở miền Đông, tại Paris (Pháp). Hai bên ký kết thỏa thuận ngừng bắn đồng thời nhất trí cùng ngồi lại làm việc về các cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội.

Tháng Chín vừa qua, Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Salame đã đề xuất một lộ trình cho Libya nhằm chấm dứt tình trạng khủng hoảng chính trị hiện nay tại quốc gia Bắc Phi này, theo đó tổ chức một hội nghị toàn quốc do Liên hợp quốc bảo trợ với sự tham gia của tất cả các phái chính trị Libya vào tháng 2/2018, thông qua hiến pháp và tiến hành bầu cử tổng thống và quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục