Những chiến binh thuở nào cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp anh dũng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” nay đều đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm.” Khi nghe tin người “Anh cả” của họ đã ra đi mãi mãi, những kỷ niệm của một thời khói lửa lại hiện về trong ký ức những người lính năm xưa. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, nhiều người lính đã ở lại và gắn bó với mảnh đất huyền thoại này. Tiếc rằng, họ chẳng thể cùng Đại tướng đón kỷ niệm 60 năm ngày Điện Biên Phủ độc lập vào năm 2014. “Tuổi già, sức yếu nên sinh tử là lẽ thường, thế nhưng sao khi nghe tin anh Giáp mất, lòng tôi không khỏi hụt hẫng, xót xa như mất đi một người thân của mình vậy” - Đó là tâm sự của cụ Hoàng Văn Bảy (Tổ 1, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ), người đã từng tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 1954 dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, chàng trai quê Nghệ An Hoàng Văn Bảy đang ở cái tuổi đôi mươi đầy sung sức, đã lên đường đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đánh đuổi giặc Pháp, bảo vệ quê hương. Giờ đây, sau gần 60 năm bước ra từ cuộc chiến ấy, cụ Bảy đã 82 tuổi nhưng vẫn không cầm nước mắt khi nhắc đến người chỉ huy, người anh Võ Nguyên Giáp. Cụ Bảy cho biết, trong đời mình, cụ đã 3 lần được gặp Đại tướng, tất cả đều là khoảng thời gian từ sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 giành thắng lợi, trong đó có 2 lần vào năm 1958 và một lần nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vào dịp tháng 4/2004. Bốn năm sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, miền Bắc bước vào xây dựng cuộc sống mới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gặp mặt Trung đoàn E316 của cụ Bảy khi ấy đang đóng quân ở Phú Thọ, Đại tướng vận động anh em lên lại mảnh đất Lai Châu cũ (nay là tỉnh Điện Biên) để tham gia sản xuất, xây dựng chính quyền và bảo vệ Tổ quốc. Cụ Bảy bồi hồi nhớ lại: "Khi đó, ai cũng ngại lên mảnh đất này vì vừa đói nghèo lại gian khổ. Nhưng lời của Đại tướng đã truyền nhiệt huyết cho chúng tôi hăng hái lên đây lập nghiệp. Đại tướng nói 'Lấy Tây Bắc làm quê hương, lấy nông trường làm gia đình.' Sau khi trở lại nơi đây, tôi lấy vợ, sinh con và công tác trong nông trường cao su Điện Biên đến lúc về hưu. Ở lại và xây dựng cuộc sống mới trên chính mảnh đất mà mình và đồng đội đã đổ máu để giành được đã giúp chúng tôi thêm gắn bó với nơi này như chính quê hương của mình vậy." Khi nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cụ Bảy tâm sự: "Đại tướng là một người tài giỏi, kiệt xuất thì cả thế giới ai cũng biết. Nhưng điều mà chúng tôi nhớ nhất và yêu quý nhất ở Đại tướng là sự giản dị và tình cảm chân thật với tất cả mọi người. Trong những lần chúng tôi được gặp anh, Đại tướng không bao giờ phân biệt cấp trên với cấp dưới. Sau khi trang nghiêm chào tất cả các chiến sĩ, Đại tướng bước xuống và chúng tôi ào lên ôm người Anh Cả của mình. Đại tướng bắt tay, ôm và căn dặn từng chiến sĩ phải vững vàng, quyết tâm xây dựng đất nước. Tất cả chúng tôi gọi Đại tướng là anh, khi ấy dường như chẳng còn khoảng cách nào của một người Tổng tư lệnh với binh sỹ nữa." Đang say sưa kể về những lần được gặp gỡ Đại tướng, cụ Bảy bỗng lắng lại, bao ký ức ùa về càng khiến cụ thấy xót xa trước sự ra đi của người “Anh cả.” Cụ Bảy bồi hồi nhớ lại: "Cách đây gần 9 năm, ngày 20/4/2004, khi lên thăm lại chiến trường xưa nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng đã nói: 'Chúng ta còn sống và gặp nhau đây là mừng lắm rồi.' Câu nói của Đại tướng khiến tất cả mọi người cảm động, nhiều đồng chí đã rơi nước mắt." "Chúng tôi vẫn luôn mong rằng sẽ lại được gặp anh khi chiến thắng Điện Biên Phủ tròn 60 năm. Thế nhưng khi ngày đó chỉ còn cách hơn 7 tháng nữa thì Đại tướng đã ra đi, dịp kỷ niệm 60 năm vắng bóng Anh Cả rồi!" - cụ Bảy nghẹn ngào. Cũng giống như cụ Bảy, sau chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 toàn thắng, cụ Nguyễn Kim Sao (tổ 17, phường Tân Thanh, thành phố Điện Biên Phủ) đã gắn bó với mảnh đất Điện Biên đến tận bây giờ. Trong cuộc đời mình, cụ Sao đã 4 lần được gặp Đại tướng vào các năm 1956, 1968, 1994 và 2004. Cụ Sao cho biết, mỗi lần được gặp Đại tướng đều có những cảm xúc khác nhau nhưng đều có chung niềm tự hào, sung sướng và phấn khởi xen lẫn nước mắt. Bản thân cụ và những người đồng đội luôn tự hào vì được chỉ huy bởi một vị tướng giỏi mà bình dị như Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cụ Sao tâm sự: "Lần gặp Đại tướng đáng nhớ nhất đối với tôi là dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, vào năm 1994. Khi ấy, tôi và những người đồng đội được cùng Đại tướng lên thắp hương tại Đồi A1, sau khi nhìn xung quanh đồi Đại tướng nói: 'Trận đánh cuối cùng ở Đồi A1, chúng ta hy sinh 3 người mà ở đây mới chỉ có hai ngôi mộ, một đồng đội nữa của chúng ta đâu rồi.' Câu nói đó khiến chúng tôi ai cũng nghẹn ngào. Trong lần gặp đó, Đại tướng tặng quà cho mỗi chúng tôi, hỏi han sức khỏe, công tác và căn dặn phải cố gắng sống thật lâu để còn chứng kiến Điện Biên thay da đổi thịt." Hiện nay, dù đã ở tuổi 82 nhưng cụ Sao vẫn giữ chức Phó Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ của tỉnh Điện Biên. Khi biết tin Đại tướng từ trần, Ban liên lạc đã tập trung các cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, lập bàn thờ Đại tướng ở Văn phòng Hội Cựu chiến binh tỉnh để tưởng nhớ người Tổng tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp lại những chiến sĩ của mình đã từng chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ 50 năm trước, tại buổi gặp mặt thân mật đại diện chiến sĩ Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, được tổ chức tại Hà Nội, ngày 13/3/2004. Ảnh: Tùng Lâm - TTXVN
Theo số liệu từ Hội Cựu chiến binh thành phố Điện Biên Phủ, hiện nay cả thành phố còn hơn 160 cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, người ít tuổi nhất cũng đã gần 80 và người lớn tuổi nhất còn sống cũng đã ngấp nghé 90. Họ đã ở lại và gắn bó với mảnh đất này, trở thành quê hương thứ hai sau những mồ hôi, xương máu mà họ và đồng đội đã đổ xuống. Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại sự tiếc thương vô hạn cho những người lính năm xưa bởi với họ, đơn giản Đại tướng không chỉ là người chỉ huy mà còn là người bạn, người anh thân thiết như ruột thịt. Điện Biên Phủ sau hơn nửa thế kỷ đã không còn hoang tàn như những ngày đầu sau chiến tranh. Thành phố mang tên chiến dịch lịch sử gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nay đã vươn mình trong nắng mới dưới ngọn cờ của Đảng, vượt lên nỗi đau chiến tranh để trở thành một thành phố phát triển. Những người cựu chiến binh nơi đây vẫn đầy tự hào khi kể cho con cháu của mình nghe về những năm tháng chiến tranh, về Vị tướng của nhân dân./.
Xuân Tư (TTXVN)