Gần 955.700 ca tử vong do dịch COVID-19 trên toàn thế giới

Dịch COVID-19 ngày 19/9: Thế giới ghi nhận trên 30,6 triệu ca mắc

Mỹ vẫn là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19 với trên 6.9 triệu ca nhiễm và 203.141 ca tử vong, tiếp theo là Ấn Độ với hơn 5,3 triệu ca nhiễm và 85.625 ca tử vong.
Dịch COVID-19 ngày 19/9: Thế giới ghi nhận trên 30,6 triệu ca mắc ảnh 1Bệnh nhân nhiễm COVID-19 điều trị tại bệnh viện ở Mexico City, Mexico. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 19/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 30.685.286 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 955.695 ca tử vong.

Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 22.327.237 người. Hiện vẫn còn khoảng 1% số người mắc bệnh đang trong tình trạng nguy kịch.

Mỹ vẫn là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch COVID-19 với 6.925.618 ca nhiễm và 203.141 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 5.305.475 ca nhiễm và 85.625 ca tử vong; Brazil với 4.497.434 ca nhiễm và 135.857 ca tử vong; Nga với 1.091.186 ca nhiễm và 19.195 ca tử vong.

Nước ghi nhận nhiều ca tử vong nhất trong 24h qua là Ấn Độ với 1.221 trường hợp, sau đó lần lượt là Mỹ với 928 trường hợp, và Brazil với 826 trường hợp.

Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei thông báo ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sau lần xét nghiệm thứ 6. Hiện tại tình trạng sức khỏe của ông Alejandro Giammattei vẫn bình thường.

Tính tới nay, Guatemala đã ghi nhận 84.344 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 3.076 ca tử vong.

Theo hãng tin ANSA, báo cáo theo dõi hằng tuần của Viện Y tế cao cấp Italy công bố ngày 18/9 cho biết tình hình dịch COVID-19 ở nước này đang dần trở nên xấu hơn so với khoảng thời gian được kiểm soát khá tốt trước đó.

Tuy nhiên, chiều hướng xấu này ở Italy vẫn được kiềm chế tốt hơn so với các nước châu Âu khác.

Viện Y tế cao cấp Italy còn cho hay nguyên nhân dịch COVID-19 lây lan trở lại là do xuất hiện các ổ dịch lớn vốn chủ yếu có liên quan đến các sự kiện giải trí tụ tập đông người và không tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội.

Các số liệu cho thấy trong ngày 18/9, Italy đã ghi nhận 1.907 ca nhiễm SARS-CoV-2 mới, trong đó có 10 ca tử vong. Tính đến nay, tổng số ca nhiễm ở Italy là 294.932 ca với 35.668 trường hợp tử vong.

[Dịch COVID-19 sáng 18/9: Số ca tử vong chạm ngưỡng 950.000]

Tại Séc, trước tình hình số lượng ca mắc mới dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gia tăng nhanh kỷ lục trong hai tuần gần đây, Chính phủ Séc tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Thủ tướng Séc Andrej Babiš tuyên bố sẽ tái lập Ban chỉ đạo trung ương để ứng phó với dịch COVID-19. Thủ tướng Babiš nhấn mạnh chính quyền các địa phương đã kiến nghị khôi phục hoạt động của ban chỉ đảo trung ương từng được lập ra hồi tháng 3 sau khi dịch bùng phát, do thời gian qua hợp tác giữa các địa phương và Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch không tốt. Ban này sẽ đóng vai trò điều phối thông tin giữa Bộ Y tế và các chính quyền địa phương. 

Thủ tướng Babiš cho biết không loại trừ khả năng chính phủ sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp ứng phó với dịch COVID-19 như đã áp dụng trong tháng 3. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế cần phải đánh giá việc đề xuất các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 có phù hợp với quy định của pháp luật hay không.

Cũng trong ngày 18/9, Thị trưởng Prague Zdeněk Hřib cho biết Prague đang được xếp ở mức rủi ro cao trong bản đồ COVID quốc gia.

Theo người đứng đầu cơ quan dịch tễ Prague Zdeňka Jágrová, ngày 17/9 có gần 30 trường học ở Prague bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 do khoảng 30 giáo viên và học sinh có xét nghiệm dương tính.

Để kiềm chế sự lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 nhất là tại Prague, giới chức y tế Séc thông báo một số quy định mới ứng phó với dịch.

Theo đó, từ 18h ngày 18/9 người dân không được tới thăm các bệnh viện và các cơ sở xã hội tại Prague, trừ trường hợp tới thăm bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch và bệnh nhân dưới tuổi vị thành niên.

Từ ngày 21/9, các trường đại học ở Prague sẽ phải thực hiện giảng dạy theo hình thức học từ xa; người dân ở Prague và vùng Trung Séc sẽ bắt buộc phải đeo khẩu trang tại các sự kiện ngoài trời trên 100 người tham gia cũng như tại các chợ ngoài trời, các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội.

Theo số liệu thống kế, đến nay Cộng hòa Séc có hơn 45.000 ca mắc COVID-19, trong đó gần 500 trường hợp tử vong và hơn 23.000 người đã được chữa khỏi. Trong đó, chỉ riêng trong 2 ngày 16 và 17/9 có hơn 5.250 ca nhiễm mới.

Dịch COVID-19 ngày 19/9: Thế giới ghi nhận trên 30,6 triệu ca mắc ảnh 2Nghiên cứu và sản xuất vắcxin phòng COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Jens Spahn vừa cho biết Berlin đã đảm bảo được số liều vắcxin tiềm năng nhiều hơn dân số nước này, một chiến lược chung của các nước giàu khi còn chưa rõ loại vắcxin nào sẽ có hiệu quả.

Cụ thể, Đức đã đặt mua tổng cộng 94 triệu liều vắcxin từ các nhà cung cấp khác nhau. Hiện trên thế giới có 8 loại vắcxin đang ở giai đoạn thử nghiệm thứ 3, trong đó có vắcxin của công ty Đức. Khoản tài trợ 750 triệu euro được Chính phủ Đức rót cho nghiên cứu và bào chế vắcxin cũng được sử dụng để mở rộng năng lực sản xuất của các hãng dược phẩm Đức.

Theo Bộ trưởng Spahn, Chính phủ Đức nhấn mạnh yếu tố ưu tiên hàng đầu là an toàn và tin cậy, chứ không nhất thiết phải là nước có vắcxin đầu tiên, trong tiến trình nghiên cứu và bào chế vắcxin. Trong khi đó, công ty Biontech thông báo sẽ sản xuất mỗi năm 750 triệu liều vắcxin.

Công ty có trụ sở ở thành phố Maiz (bang Rheinland-Pfalz) của Đức này cũng đã thương lượng với công ty dược Novarrtis để mua lại một xưởng sản xuất ở thành phố Marburg (bang Hessen) để thực hiện sản xuất hàng loạt.

Trong khi đó, các nguồn tin từ Chính phủ Đức ngày 18/9 cho biết, nước này và Pháp sẽ không mua các loại vắcxin tiềm năng phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thông qua chương trình COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Thông tin này được đưa ra cùng ngày sau khi WHO thông báo thời hạn chót để các nước thành viên đăng ký tham gia chương trình COVAX.

Nguồn tin cho biết, Berlin ủng hộ, song sẽ không mua vắcxin ngừa COVID-19 thông qua chương trình của WHO, bởi Đức đã theo một dự án chung của Liên minh châu Âu (EU) để mua các loại vắcxin tiềm năng.

Chương trình COVAX của WHO được thực hiện để mua các loại vắcxin COVID-10 với đảm bảo rằng các vắcxin này sẽ được phân bổ công bằng và hiệu quả trên thế giới. Tuy nhiên, trong khi 92 nước có mức thu nhập thấp muốn tham gia chương trình COVAX thì các nước giàu có lại không tham gia do các nước này muốn đảm bảo nguồn cung riêng.

Theo các nhà ngoại giao châu Âu, hiện đang có những ý kiến trái chiều trong EU về sáng kiến COVAX của WHO. Một mặt, EU muốn hỗ trợ việc cung cấp vắcxin cho các nước đang phát triển, song mặt khác chính phủ các nước thành viên cũng muốn đảm bảo có vắcxin cho người dân của mình.

Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đóng góp 400 triệu euro từ ngân sách phát triển của khối cho chương trình COVAX, trong khi Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết Chính phủ Đức hiện chưa quyết định về hình thức hỗ trợ chương trình này.

Ông Spahn cũng bày tỏ hy vọng Đức sẽ có vắcxin vào đầu năm tới và những đối tượng được ưu tiên tiêm vắcxin là những người cao tuổi và các y, bác sỹ.

Về tình hình dịch bệnh tại Đức, các cơ quan y tế Đức tối 18/9 thông báo đã ghi nhận thêm 2.219 ca nhiễm mới, tăng khoảng 100 ca so với ngày trước và nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 ở Đức đến nay lên gần 268.950 ca.

Riêng tại Berlin trong ngày đã ghi nhận thêm gần 200 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Hiện số trường hợp còn nhiễm bệnh ở Đức vào khoảng gần 20.900 ca. Chỉ số lây nhiễm trong ngày tính đến tối 18/9 ở mức 1,16.

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Mỹ, cũng trong ngày 18/9, công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp cho Chính phủ Peru 9,9 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 có tên gọi BNT162b2 do công ty này hợp tác sản xuất cùng với hãng BioNTech của Đức.

Số vắcxin trên sẽ được cung cấp cho phía Peru sau khi Cơ quan quản lý Thuốc và Dược phẩm (DIGEMID) của nước này cấp phép.

Theo Bộ Ngoại giao Peru, công ty Pfizer đang tiến hành các nghiên cứu vaccine giai đoạn 3 tại Mỹ, Đức, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi. Tính đến nay, Peru đã ghi nhận 750.098 ca nhiễm COVD-19, trong đó có 31.146 trường hợp tử vong.

Cùng ngày, Cơ quan Giám sát Y tế Quốc gia (Anvisa) của Brazil ra quyết định cho phép công ty Pfizer tăng gấp đôi số lượng tình nguyện viên để thử nghiệm vắcxin BNT162b2, từ 1.000 người theo kế hoạch ban đầu lên 2.000 người.

Cơ quan này cũng cho phép những người từ 16 tuổi trở lên tham gia thử nghiệm vắcxin. Trước đó, chỉ những người đủ 18 tuổi mới được tham gia các chương trình thử nghiệm vắcxin.

Anvisa cho biết các cuộc thử nghiệm sẽ được thực hiện ở các bang Bahía và Sao Paulo, với 1.000 tình nguyện viên tại mỗi bang.

Theo Bộ Y tế Brazil, hiện hai bang này là những địa phương có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất cả nước, với lần lượt là 916.821 và 289.655 trường hợp mắc bệnh. Tính đến nay, Brazil đã ghi nhận 4,45 triệu người nhiễm bệnh và 134,935 trường hợp tử vong do COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục