Doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh ứng phó dịch

Đầu tư dây chuyền sản xuất sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước giúp bình ổn hàng hóa thay vì nhập khẩu, chuyển đổi mô hình bán hàng trực tiếp sang giao hàng tại chỗ là cách nhiều DN ứng phó dịch.
Doanh nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh ứng phó dịch ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: TTXVN phát)

Chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp là cách mà nhiều doanh nghiệp đang thực hiện và mang lại hiệu quả nhất định.

Đây cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động ổn định và cũng là nội dung của Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Theo bà Bùi Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty cổ phần Basca Việt Nam, dịch COVID-19 đem đến rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng trong khó khăn lại xuất hiện những cơ hội.

Cụ thể, bà Bùi Thị Thanh Xuân cho rằng dịch COVID-19 bùng phát, giá dầu thô thế giới bị đẩy lên cao, kéo theo đó là giá vật liệu đầu vào cũng tăng, các doanh nghiệp cung cấp buộc phải tăng giá, nhưng không được tăng quá từ 5-10% đơn giá đã ký với khách hàng. Điều này gây khó khăn cho những doanh nghiệp cung ứng vật liệu cho xây dựng như Basca Việt Nam.

Đứng trước thách thức đó, Basca Việt Nam phải cơ cấu lại hoạt động, tiết giảm chi phí không cần thiết nhằm chia sẻ khó khăn tăng giá vật liệu với đối tác là chủ đầu tư và nhà thầu.

[Doanh nghiệp dệt may với giải pháp đảm bảo sản xuất và ứng phó dịch]

Thay vì nhập khẩu hàng hóa của nước ngoài về bán, thì Basca Việt Nam đã tìm cách tự đầu tư dây chuyền, sản xuất một số sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ trong nước để giúp hàng hóa được bình ổn, không phụ thuộc cuộc tăng giá phi mã từ vật tư nhập khẩu.

Giống như Basca Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cũng đã chủ động chuyển đổi mô hình kinh doanh từ truyền thống là bán tại cửa hàng sang mô hình giao hàng trực tiếp cho khách tại nhà, tại nơi làm việc. Nhờ vậy, doanh thu và đời sống người lao động tạm ổn định.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, chủ một cơ sở chuyên cung cấp thực phẩm sạch, trên phố Đội Cấn, Hà Nội cho hay, trước tình hình dịch bùng phát trở lại, cơ sở đã tăng cường các hình thức bán hàng trên mạng như Grap, Nowdeliver, Tiki… nên doanh số cũng giảm đôi chút, cơ sở đang cố gắng đảm bảo việc làm cho nhân viên.

Tuy nhiên, trước sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 5/2021.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 5/2021, cả nước có 11,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 150,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 72,2 nghìn người, giảm 22% về số doanh nghiệp, giảm 16,3% về vốn đăng ký và giảm 23,7% về số lao động so với tháng 4/2021.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, sự sụt giảm cả về số doanh nghiệp, số vốn và số lao động, là do tâm lý thành lập doanh nghiệp mới chịu những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19.

Tuy nhiên, nếu so với thời điểm dịch COVID-19 thứ nhất (tháng 5/2020), số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 5/2021 vẫn tăng tăng 8,1%; số vốn đăng ký tăng 33,6%; số lao động đăng ký giảm 21,1%. Theo đó, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 13 tỷ đồng, tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê, cho rằng mặc dù, tâm lý thành lập doanh nghiệp mới có sụt giảm so với tháng trước nhưng tình hình không thấp như cách đây 1 năm. Điều này cho thấy khu vực doanh nghiệp tin tưởng vào các biện pháp chống dịch cũng như hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ.

Với số doanh nghiệp mới được bổ sung vào nền kinh tế, tính chung 5 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 55,81 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 778,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 412,4 nghìn lao động.

Như vậy, trong 5 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 15,4%, vốn đăng ký tăng 39,5% và tăng 1,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Đây được xem là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trong 5 tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, có gần 22,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2021 lên 78,3 nghìn doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng có gần 15,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Để tạo đà cho doanh nghiệp phát triển, ông Phạm Đình Thúy cho rằng, trong năm 2021 cần kích cầu đầu tư trong khối doanh nghiệp sản xuất cho xuất khẩu để chủ động nguồn hàng khi thị trường các nước trên thế giới mở lại bình thường và tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Đồng thời, nhanh chóng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, gồm cả ngành sản xuất sản phẩm phải nhập khẩu hiện nay và ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao để giảm áp lực nhập khẩu yếu tố đầu vào.

Doanh nghiệp cần tăng cường xuất khẩu nông sản đã qua chế biến, áp dụng và đổi mới công nghệ trong nuôi trồng, chế biến để tăng năng suất và nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh đối với những mặt hàng nông sản xuất khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục