Doanh nghiệp thủy điện hưởng lợi, nhiệt điện than gặp khó

Do giá than bị giới hạn bởi Tập đoàn Điện lực (EVN), các doanh nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn trong việc thỏa thuận giá với nhà cung cấp nước ngoài để đảm bảo biên lợi nhuận cho các nhà máy.
Doanh nghiệp thủy điện hưởng lợi, nhiệt điện than gặp khó ảnh 1Tổ điều hành Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 trực vận hành các tổ máy. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Rủi ro thiếu hụt than và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao ảnh hưởng đến nhóm nhiệt điện, trong khi đó doanh nghiệp thủy điện dự kiến tiếp tục được hưởng lợi khi giá bán điện cao hơn năm ngoái đồng thời tăng tỷ trọng phát điện trên thị trường cạnh tranh đến cuối năm.

Theo quan sát của các chuyên gia Công ty Chứng khoán Ngân hàng Agribank (AGR), quý 1 ghi nhận thiếu tới 300 MW nhiệt điện do thiếu hụt than. Rủi ro thiếu than trong các tháng tới đã khiến các nhà máy phải chủ động tìm kiếm nguồn than nhập khẩu để bổ sung sản lượng thiếu hụt. Tuy nhiên, do giá than bị giới hạn bởi Tập đoàn Điện lực (EVN), các doanh nghiệp sẽ gặp không ít khó khăn trong việc thỏa thuận giá với nhà cung cấp nước ngoài để đảm bảo biên lợi nhuận cho các nhà máy.

Mặc dù giá bán đầu ra được EVN bao tiêu và tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành điện được cố định theo các hợp đồng mua bán điện (PPA), nhưng sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường phát điện cạnh tranh của các nhà máy nhiệt điện than sử dụng nguồn than nhập khẩu và tuabin khí, đồng thời khiến giá mua điện cao. Thực tế này khiến các doanh nghiệp nhiệt điện than gặp khó, trong khi đó lợi thế thuộc về doanh nghiệp thủy điện. Khả năng cao về tình hình thủy văn tích cực trong các tháng tới hỗ trợ doanh nghiệp thủy điện tiếp tục tăng trưởng.

Viện Nghiên cứu Quốc tế về Xã hội và Khí hậu (IRI) dự báo khả năng xảy ra La Nina có thể sẽ suy yếu trong tháng 7-8 và mạnh trở lại từ tháng 9 trở đi nhưng với xác suất chỉ quanh 60%. Tuy nhiên, đây là tỷ lệ khá cao trong mùa mưa và có thể gây ra mưa nhiều tại khu vực trung tâm phía Tây Thái Bình Dương bao gồm Việt Nam.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn cũng dự báo mưa sẽ nhiều hơn so với trung bình ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vào các tháng 7, 8, 9 và từ tháng 9, 10, 11 ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ.

Trước đó, La Nina hoạt động mạnh trở lại trong nửa đầu năm nay, đặc biệt trong tháng 5-6. thủy điện cũng được huy động tới 50% công suất liên tục từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 trong giờ cao điểm buổi trưa và hơn 90% công suất trong giờ cao điểm buổi tối.

[EVNGENCO1: Đáp ứng đủ than cho vận hành nhiều nhà máy nhiệt điện]

Nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS) cho rằng các doanh nghiệp thủy điện sẽ tiếp tục được hưởng lợi đến năm 2023 khi được huy động tối đa sản lượng trong trường hợp hiện tượng La Nina kéo dài qua mùa Đông năm nay. Đáng chú ý, các thủy điện ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ được hưởng lợi lớn khi sản lượng phát tăng mạnh so với cùng kỳ đồng thời phát trên thị trường điện giá cao.

Thời gian qua, thủy điện đóng góp vào biên lợi nhuận và dòng tiền cho các doanh nghiệp có danh mục nhà máy điện đa dạng và các doanh nghiệp đa ngành.

Như Tập đoàn Hà Đô, doanh thu từ mảng điện tăng trưởng 97% trong quý 1, đạt 477,7 tỷ đồng; trong đó thủy điện Đak Mi 2 thường xuyên vượt 20-50% kế hoạch tháng.

Doanh nghiệp thủy điện hưởng lợi, nhiệt điện than gặp khó ảnh 2Khu vực sản xuất của Công ty nhiệt điện Cao Ngạn. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Hai nhà máy thủy điện tại Quảng Nam bao gồm Đak Mi 2 và Sông Tranh 4, cùng với dự án điện gió 7A với công suất 50 MW vận hành trong tháng 9-10/2021 là động lực tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận chính trong mảng điện của doanh nghiệp. Hiện, các công ty con của doanh nghiệp này đang vận hành 314 MW thủy điện, 50 MW điện gió và 98 MWp điện mặt trời.

Về phía Công ty Cơ điện lạnh (REE), mảng thủy điện chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng danh mục điện tại các công ty con và công ty liên kết. Do đó, giới phân tích kì vọng đây tiếp tục là mảng đóng góp chính vào kết quả kinh doanh đến cuối năm.

Công suất thủy điện do doanh nghiệp này sở hữu hiện đạt trên 480 MW, với phần lớn nhà máy đặt tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ. Trước đó, Công ty Năng lượng REE (REE Energy) đã nâng sở hữu tại Công ty thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh (VSH) lên 50,5%.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị REE Mai Thanh, việc nâng sở hữu lên mức cổ phần kiểm soát cho phép REE tham gia tích cực và chủ động hơn vào các quyết định chiến lược của VSH. Dự án nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum chính thức vào vận hành từ tháng 4/2021 sau hơn 12 năm xây dựng và đóng góp hơn 976 triệu kWh sản lượng điện năng tính đến thời điểm cuối năm 2021.

Về mảng nhiệt điện than, REE đã giảm đáng kể các khoản đầu theo sáng kiến Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26. Cụ thể, REE đã giảm sở hữu tại Công ty Nhiệt điện Than Quảng Ninh (QTP) từ 8,04% xuống chỉ còn 0,98% và dự kiến sẽ thoái vốn phần còn lại trong thời gian sắp tới.

Đóng phiên giao dịch sáng nay 8/7, cổ phiếu doanh nghiệp thủy điện cùng xu hướng tăng với thị trường, cổ phiếu REE của Công ty Cơ điện lạnh giá 76.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu GEG của Công ty Điện Gia Lai giá 21.850 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu HDG của Tập đoàn Hà Đô giá 43.370 đồng/cổ phiếu.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục