Dòng vốn ngoại chịu ảnh hưởng bởi xu hướng của thế giới

Tại Việt Nam, thống kê trong tháng Chín vừa qua, giao dịch khối ngoại đảo chiều bán ròng trên thị trường chứng khoán với tổng giá trị là 3.500 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ tháng 3/2022.
Dòng vốn ngoại chịu ảnh hưởng bởi xu hướng của thế giới ảnh 1 Tính chung 9 tháng và loại trừ các giao dịch đột biến, khối ngoại mua ròng 2.500 tỷ đồng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Khối ngoại bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 9/2022, song tính chung 9 tháng, loại trừ các giao dịch đột biến, khối ngoại vẫn mua ròng. Theo giới phân tích, diễn biến dòng vốn ngoại đang chịu ảnh hưởng bởi xu hướng của thế giới.

Theo đánh giá của chuyên viên Thái Thị Việt Trinh, Công ty Chứng khoán SSI, diễn biến dòng vốn vào thị trường chứng khoán trong nước trong tháng Chín tiếp tục không có quá nhiều khác biệt so với kỳ vọng và chịu ảnh hưởng bởi xu hướng của thế giới.

Trên thế giới, dòng tiền vào các tài sản tài chính tiếp tục suy giảm khi nhà đầu tư giảm tỷ trọng các tài sản rủi ro trong danh mục. Tâm lý thị trường không có sự cải thiện trong tháng Chín, với việc các Ngân hàng Trung ương lớn như Mỹ, EU nhấn mạnh theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt với mục tiêu trọng tâm là kiểm soát lạm phát.

Tại Việt Nam, thống kê trong tháng Chín, giao dịch khối ngoại đảo chiều bán ròng trên thị trường chứng khoán, với tổng giá trị là 3.500 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ tháng Ba năm nay.

Giao dịch khối ngoại kém khả quan kể từ nửa cuối tháng Tám, và tương đồng với diễn biến của khối ngoại trong khu vực; ngoại trừ Indonesia, nhờ lợi thế về xuất khẩu nguyên vật liệu thô. Tính chung 9 tháng và loại trừ các giao dịch đột biến, khối ngoại mua ròng 2.500 tỷ đồng.

Trên cơ sở này, SSI duy trì góc nhìn thận trọng đối với xu hướng dòng tiền vào thị trường, ít nhất cho tới cuộc họp của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 11.

Bên cạnh rủi ro đến từ bên ngoài, nhân tố nội tại có tác động không tích cực đến tâm lý thị trường ngày càng xuất hiện rõ ràng hơn, như tăng trường chậm lại hay Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục tăng lãi suất điều hành nhằm ổn định môi trường tỷ giá. Trong khi đó, yếu tố tích cực đến từ việc định giá thị trường hiện đang ở mức thấp để có thể giúp dòng tiền chủ động giải ngân.

[Quán tính giảm của thị trường chứng khoán khả năng vẫn còn tiếp diễn]

Theo ông Petri Deryng, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc PYN Elite Fund, hiện tại vẫn có nhu cầu rót vốn từ các nhà đầu tư Thái Lan và các nước châu Á khác nhưng không lớn. Nếu thị trường được nâng hạng, nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia nhiều hơn vào Việt Nam.

Đại diện PYN Elite Fund nhận định, quỹ ngoại quan sát nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng nhưng không còn tác động quá lớn, khi thị trường ngắn hạn có khó khăn cho nhà đầu tư nhưng không đến mức suy thoái.

Việt Nam trong một năm tới vẫn rất khả quan và là một trong những thị trường tiềm năng nhất trên thế giới. Nếu thị trường được nâng hạng, tập nhà đầu tư nước ngoài sẽ lớn hơn, hàng nghìn đối tác ngoại có thể tiếp cận. Đó là điều tốt cho thị trường trong dài hạn.

Xét trên khóa cạnh dòng tiền đầu tư trên toàn cầu, SSI duy trì quan điểm thận trọng về việc phân bổ dòng vốn vào các tài sản tài chính, đặc biệt là tới các quỹ cổ phiếu cho tới cuộc họp của Fed vào tháng 11, khi các rủi ro lớn như Ngân hàng Trung ương đẩy mạnh thắt chặt chính sách tiền tệ và rủi ro suy thoái kinh tế ngày càng đến gần hơn.

Mặc dù điểm tích cực là định giá thị trường cổ phiếu ở các quốc gia đã về mức thấp, trạng thái tâm lý của thị trường sẽ chỉ trở nên tích cực hơn và kích hoạt dòng vốn vào các quỹ cổ phiểu chỉ khi các tín hiệu về lạm phát có xu hướng giảm rõ nét và liên tục hơn, cũng như các thông điệp điều hành chính sách tiền tệ của Fed mang tính chất nới lỏng hơn.

Trong thời điểm hiện tại, SSI chưa quan sát thấy có sự biến chuyển lớn trong tâm lý thị trường. Tương tự, dòng vốn cổ phiếu vào thị trường mới nổi sẽ ảnh hưởng mạnh bởi xu hướng của đồng USD và sẽ không có sự bứt phá trong dòng vốn cổ phiếu vào thị trường mới nổi trong thời gian còn lại của năm.

Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VnDirect cũng cho rằng, trong bối cảnh Fed phát đi tín hiệu rằng chu kỳ tăng lãi suất có thể chưa sớm kết thúc, cũng như việc chỉ số đồng USD chạm mức cao nhất trong 20 năm qua, dòng tiền có thể rút khỏi các tài sản và thị trường rủi ro; trong đó, có thị trường chứng khoán Việt Nam.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam khuyến nghị các nhà đầu tư nên lưu ý về những áp lực đến từ thế giới có thể tác động tiêu cực vào sự tăng trưởng, ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Tháng Chín, tỷ giá USD/VND đã tăng xấp xỉ 1,9% so với tháng trước. Những áp lực bên ngoài này có thể gián tiếp khiến khối ngoại bán ròng trong thời gian tới.

Đóng cửa phiên giao dịch 11/10, sắc đỏ bao trùm toàn thị trường, VN-Index về sát mốc 1.000 điểm. Dù vậy, thị trường vẫn chứng kiến khối ngoại mua ròng hơn 134 tỷ đồng; trong đó, nổi bật mua VIC, MSN, DGC, VNM, DPM…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục