Đức tuyên bố loại bỏ dần hệ thống sưởi chạy bằng dầu và khí đốt

Liên minh cầm quyền Đức hồi tháng trước đã nhất trí rằng kể từ năm 2024, hầu hết các hệ thống sưởi ấm lắp đặt mới trên toàn quốc sẽ chạy bằng 65% năng lượng tái tạo, kể cả trong các tòa nhà mới và cũ.
Đức tuyên bố loại bỏ dần hệ thống sưởi chạy bằng dầu và khí đốt ảnh 1Một trạm bơm khí đốt tự nhiên hóa lỏng tại Dortmund, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nội các Đức ngày 19/4 đã thông qua dự thảo luật cấm hầu hết các hệ thống sưởi ấm lắp đặt mới chạy bằng dầu và khí đốt kể từ năm 2024.

Kế hoạch này là một phần trong tham vọng của Đức trở thành nền kinh tế trung hòa khí thải vào năm 2045.

Thông báo của Bộ Kinh tế cho biết liên minh cầm quyền Đức hồi tháng trước đã nhất trí rằng kể từ năm 2024, hầu hết các hệ thống sưởi ấm lắp đặt mới trên toàn quốc sẽ chạy bằng 65% năng lượng tái tạo, kể cả trong các tòa nhà mới và cũ.

[Các công ty lớn trên thế giới chưa thực hiện được cam kết xanh]

Theo dự luật trên, ngoài hệ thống sưởi mới, các tòa nhà cũng có thể sử dụng máy bơm nhiệt chạy bằng điện tái tạo, máy sưởi di động, hệ thống sưởi điện hoặc năng lượng Mặt Trời làm giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch.

Dự luật ước tính kế hoạch chuyển đổi có thể tiêu tốn của người dân Đức khoảng 9,16 tỷ euro (10 tỷ USD) mỗi năm cho đến năm 2028.

Chỉ đến năm 2029, chi phí mới giảm xuống còn 5 tỷ khi Đức dự kiến sẽ mở rộng năng lượng tái tạo cũng như tăng cường sản xuất máy bơm nhiệt nhằm giảm giá thành trong tiến trình chuyển đổi.

Theo dự thảo luật, những người vi phạm quy định mới về hệ thống sưởi có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 5.000 euro.

Quyết tâm thúc đẩy tiến trình loại bỏ khí đốt trong hệ thống sưởi ấm đã trở nên cấp bách hơn sau khi Moskva phát động chiến dịch tấn công Ukraine, khiến Đức phải ngừng nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Ủy ban châu Âu (EC) vừa ra thông báo sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục giảm mức tiêu thụ khí đốt trong mùa Đông tới sau khi đạt được chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng đặt ra trước đó.

Báo cáo của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết việc giảm mức sử dụng thực tế đã vượt mục tiêu tự nguyện một phần do thời tiết ấm hơn dự báo và chi phí năng lượng cao đã khiến người tiêu dùng sử dụng ít hơn.

Tiêu thụ khí đốt tại các nước thành viên EU đã giảm 19,3% trong khoảng từ tháng 8/2022 đến 1/2023 so với cùng kỳ của các năm từ 2017 và 2022. Tuy nhiên, hiện Brussels muốn thuyết phục các nước thành viên nỗ lực hơn nữa trong mùa Đông tới.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục